Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

So sánh tư tưởng cận đại hóa giáo dục của Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản) và Nguyễn Trường Tộ (Việt Nam)

PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực (*) 
Mở đầu
Vào giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phương Tây ồ ạt xâm nhập vào phương Đông. Các nước phương Đông đều đứng trước những thử thách vô cùng to lớn: hoặc bị xâm chiếm, biến thành các nước thuộc địa, hoặc từng bước trở thành các nước phụ thuộc, hoặc phải ký kết các hiệp ước bất bình đẳng với các nước phương Tây. Trong tình hình đó, ở các nước phương Đông đều đã xuất hiện các nhà cải cách chủ trương học tập chính nền văn minh phương Tây, canh tân đất nước một cách toàn diện và sâu rộng, tiến bước kịp các nước phương Tây. Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản và Nguyễn Trường Tộ của Việt Nam là những nhà tư tưởng như vậy. Fukuzawa Yukichi được đánh giá là nhà khai sáng lớn nhất của Nhật Bản vào nửa sau thế kỷ XIX, là “Voltaire của Nhật Bản”, là “Rousseau của phương Đông”. Những tư tưởng của ông đã khai sáng cho nhân dân Nhật Bản, đưa Nhật Bản tiến lên vũ đài văn minh nhân loại. Còn Nguyễn Trường Tộ được đánh giá là nhà tư tưởng cải cách lớn nhất giữa thế kỷ XIX của Việt Nam. Khi nghiên cứu đến hai nhà tư tưởng này, chúng tôi thấy họ có nhiều điểm giống nhau đến kỳ lạ, đặc biệt là chủ trương học tập nền giáo dục phương Tây, cận đại hóa nền giáo dục ở .mỗi nước.
Trong bài viết này, thông qua so sánh tư tưởng cận đại hóa giáo dục của hai nhà tư tưởng tiêu biểu này, chúng tôi để tìm hiểu những nét giống nhau và khác nhau trong tư tưởng cận đại hóa giáo dục ở Việt Nam và Nhật Bản vào giữa thế kỷ XIX .

1.Về sự tiếp nhận học vấn phương Tây của Fukuzawwa và Nguyễn Trường Tộ
1.1 Về sự tiếp nhận học vấn phương Tây, ta thấy hai ông có rất nhiều điểm giống nhau: hai ông hầu như là người cùng thời đại, Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1830 và mất năm 1871 còn Fukuzawa Yukichi sinh năm 1835 và mất năm 1901; thời đại của các ông là thời đại xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây vào các nước phương Đông; thời đại mà ở các nước phương Đông đứng trước các vấn đề rất lớn: Làm thế nào để bảo vệ đất nước trước nguy cơ bị các nước phương Tây thực dân hóa và duy tân đất nước? 
Fukuzawa Yukichi thì thuở nhỏ cũng học Hán học, nhưng mãi đến năm 14-15 tuổi ông mới chú tâm đến học hành. Vốn có tư chất thông minh và óc phán xét sắc sảo nên trình độ Hán học của ông tiến bộ nhanh chóng và đạt đến trình độ uyên thâm[1]. Tinh thông Hán học nhưng ngay từ thời niên thiếu Fukuzawa Yukichi không có chí trở thành nhà Hán học, ông hướng tới một khoa mới hơn là Tây học. Như chúng ta biết, Fukuzawa Yukichi bắt đầu tiếp xúc với Tây học bằng việc học Hà Lan học (Rangaku), sau đó là Tây học (Yogaku) nhờ đó mà tư tưởng cải cách, tư tưởng khai sáng sớm hình thành trong ông.
Fukuzawa Yukichi cũng đã có dịp đi khảo sát phương Tây với tư cách là tùy viên của phái đoàn Bakufu đi Mỹ vào năm 1860 và sau đó còn đi thị sát các nước châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan, Phổ, Nga, Bỉ vào năm 1862 và một lần nữa trở lại Mỹ vào năm 1867.
Những chuyến đi đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự phát triển tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Tầm kiến văn về thế giới của ông được mở rộng hơn nhiều. Dựa trên những nhận thức mới mẻ đó, ông đã viết và xuất bản những bộ sách mang tính khai sáng và cải cách giáo dục như Tây dương sự tình (Seiyo Jijo)[2], Khuyến học (Gakumon no susume-1872), Khái lược về văn minh luận (Bunmeiron no gairyaku-1875). Đây là những tác phẩm quan trọng nhất biểu hiện rõ nhất tư tưởng về văn minh, về cận đại hóa nền giáo dục của ông.
Còn Nguyễn Trường Tộ từ nhỏ học Hán học, ông học rất giỏi nhưng ông không theo con đường khoa cử. Mãi đến năm mười tám, muời chín tuổi, ông mới bắt đầu tiếp xúc với văn hoá Tây phương, trước tiên là qua các giáo sĩ thừa sai người Pháp, chủ yếu là giám mục Gauthier. Sau đó, Nguyễn Trường Tộ cũng đã có dịp đi ra nước ngoài, qua các nước Đông Nam Á vào những năm 1858-1859 và các nước Tây Âu vào năm 1866, ở đó, ông đã được đọc sách báo của Tây phương, băng tiếng Pháp, tiếng Anh và các sách báo Tây phương đã được dịch ra tiếng Trung Quốc. Nhờ đó mà Nguyễn Trường Tộ đã có một kiến thức khá rộng lớn về tình hình thế giới, về văn minh châu Âu, về khoa học kỹ thuật cũng như về khoa học xã hội của Tây phương. Theo GS. Vĩnh Sính thì hệ thống sách dịch bằng chữ Hán, tức là Tân thư có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tiếp nhận kiến thức mới và hình thành tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tô[3]. 
Như vậy, điểm chung của cả hai ông là lúc nhỏ cùng học Hán học, đều học Hán học rất giỏi, nhưng cả hai đều không có chí trở thành nhà Hán học. Trường hợp Nguyễn Trường Tộ thì do ông là tín đồ Thiên chúa giáo nên không được dự thi hoặc có thể ông cũng không muốn dự thi, còn Fukuzawa Yukichi thì rõ ràng ông đã sớm phê phán về nội dung và phương pháp giáo dục Hán học, hướng tới Hà Lan học (Rangaku) nên không hề có chí hướng trở thành nhà Hán học.
Cả hai ông sớm tiếp thu Tây học: Nguyễn Trường Tộ thì học tiếng Pháp và các khoa học Tây phương qua các nhà truyền giáo, Fukuzawa Yukichi thì học Hà Lan học, sau đó là Tây học từ các nhà Tây học người Nhật. Cả hai cũng có những chuyến đi phương Tây, có dịp thị sát tình hình phương Tây. Chính những điểm chung về mặt học vấn như thế khiến cho những đề nghị cải cách của hai ông, nhất là về lĩnh vực giáo dục, có nhiều điểm giống nhau đến kỳ lạ.
1.2 Tuy nhiên, điều khác nhau quan trọng là Nguyễn Trường Tộ lớn lên khi Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược, đất nước từ Nam đến Bắc lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp, nhiệm vụ cơ bản của dân tộc Việt Nam lúc đó là cứu nước bảo vệ Tổ quốc, điều này có ảnh hưởng đến sự hình thành và thực thi những chủ trương cận đại hóa nói chung và tư tưởng cận đại hóa giáo dục của ông nói riêng. Nói một cách cụ thể rằng, trong hoàn cảnh đất nước như vậy, chủ trương học tập phương Tây, cận đại hóa giáo dục của Nguyễn Trường Tộ nói riêng khó gây được sự quan tâm của triều đình và nhân dân cũng như khó có điều kiện để thực hiện. Còn Fukuzawa Yukichi lớn lên khi ở trong nước đã có phong trào Tây học khá rộng rãi, hơn nữa, Nhật Bản đã mở cửa và bắt đầu sự nghiệp duy tân đất nước. Chủ trương học tập phương Tây, cận đại hóa nền giáo dục của Fukuzawa Yukichi được hình thành chủ yếu nhờ những chuyến đi nước ngoài, khảo sát Âu-Mỹ, tiếp nhận những kiến thức về văn minh, về giáo dục của phương Tây của ông sau khi Nhật Bản đã mở cửa. Chủ trương cận đại hóa của Fukuzawa Yukichi hình thành thuận chiều với trào lưu cơ bản xã hội Nhật Bản lúc đó nên nó được cả chính quyền và dân chúng đón nhận, được thực thi một cách tích cực và mang lại hiệu quả to lớn cho đất nước.
Về việc tiếp thu Tây học, có thể nói, lúc đầu Nguyễn Trường Tộ có thuận lợi hơn bởi ông tiếp thu trực tiếp từ người phương Tây chứ không phải gián tiếp qua các nhà Tây học Nhật Bản như Fukuzawa Yukichi. Tuy nhiên, ngược lại, Nguyễn Trường Tộ tiếp thu Tây học từ những người, nói chung không phải học giả mà là những nhà truyền giáo phương Tây nên không có được một hệ thống kiến thức cơ sở vững chắc, còn Fukuzawa Yukichi tiếp thu Tây học một cách có tuần tự, có hệ thống, tiếp thu những tinh hoa của tư tưởng và lý luận giáo dục của phương Tây. Điều này có ảnh hưởng lớn đến nội dung và tính hiện thực trong những đề nghị cải cách của hai ông.
Trong quá trình hình thành tư tưởng cải cách ở hai ông thì các chuyến đi phương Tây có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhưng chính ở đây, giữa hai ông cũng có sự khác nhau căn bản. Khi đi sang các nước phương Tây, Nguyễn Trường Tộ đi theo các nhà truyền giáo, không có tư thế đầy đủ để quan sát và tiếp xúc với kiến thức Tây phương còn Fukuzawa Yukichi là một thành viên của phái đoàn Nhật Bản ông có dịp khảo sát tường tận từ tình hình chính trị đến đời sống xã hội và thu lượm được rất nhiều kiến thức bổ ích và thiết thực.
Điều đáng nói là khi sang phương Tây, Nguyễn Trường Tộ quan sát, đọc và suy nghĩ chứ không có điều kiện để tìm hiểu căn bản tư tưởng và giáo dục phương Tây, nên sau này khi đề xuất những cải cách mặc dầu có những điểm rất xuất sắc nhưng cũng thiếu hệ thống, thiếu tính thực tiễn còn Fukuzawa Yukichi rất chú trọng khảo sát tư tưởng phương Tây, đặc biệt tư tưởng về văn minh và tư tưởng giáo dục mới mẻ của phương Tây nên việc hình thành tư tưởng khai sáng, tư tưởng cải cách giáo dục ở ông có hệ thống và căn bản.

2. Phê phán “hư học”
Điểm giống nhau căn bản là cả Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa đều kịch liệt phê phán “hư học”, tức là lối học tầm chương, trích cú, thiên về kinh điển Nho học Trung Quốc, xa rời với thực tế đất nước, cụ thể là của Việt Nam và Nhật Bản.
Chúng ta hãy xem hai nhà tư tưởng của hai nước viết về nền giáo dục hư học của nước mình.
          Fukuzawa Yukichi phê phán “hư học” ở Nhật Bản: “Học hành không có nghĩa là chỉ học những chữ hóc búa, đọc những bài văn cổ khó hiểu, thưởng thức waka, làm thơ hay bàn chuyện văn học không có ích gì cho đời... Xưa nay ít có nhà Hán học nào giỏi việc nhà, hiếm cho chonin (dân thành thị:buôn bán, thủ công) nào giỏi làm waka mà lại thành công trong chuyện buôn bán. Bởi vậy có những chonin và bách tánh (nông dân) lo xa nghĩ rộng không muốn cho con mình vùi đầu vào đèn sách tối ngày để rồi phải tán gia bại sản... Điều này chứng tỏ lối học hành đó chỉ nhằm những chuyện xa vời và không có ích trong đời sống hàng ngày” [4].
Còn Nguyễn Trường Tộ viết: “Nhìn lại sự học của ta ngày nay, những điều thầy dạy học trò đều là những chuyện xa xưa…ngày nay chẳng ai theo nữa… Lúc nhỏ học thiên văn, địa lý, chính sự bên Tàu (mà nay họ đã đổi khác hết rồi), lớn lên, ra làm việc thì lại dùng địa lý, thiên văn, chính trị, phong tục nước Nam, hoàn toàn khác hẳn…Nước ta đâu phải là nước phụ dung của nước Tàu mà cứ học sách Tàu là chính…”;“Ngày nay, cái mà nước mình quý trọng là Nho. Mà Nho thì quý trọng ở nhiều văn chương, chữ nghĩa. Nếu như lấy cái công phu bền bỉ dùi mài chữ nghĩa văn chương mà học lấy cái phong phú vô vàn của tạo vật thì sẽ được biết bao điều quý báu” [5].
Qua sự phê phán hư học của Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi chúng ta thấy rõ điểm giống nhau của hai ông là:
1) Gắn liền phê phán hư học với Nho học hay Hán học, tức là lối học những chuyện xa xưa của Trung Quốc, không có ý nghĩa, tác dụng gì đến cuộc sống hiện tại của Việt Nam và Nhật Bản, không giúp giải quyết những vấn đề cấp bách của hai nước.
2) Phê phán cả nội dung và phương pháp giáo dục theo kiểu hư học: Nội dung chỉ học Kinh, Thư, cổ sử Trung Quốc, Thi, Phú, không học các môn khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm; phương pháp chủ yếu là luận giải những câu chữ khó hiểu, tán dương thi phú.
3) Nền giáo dục hư học như vậy làm mất bao nhiêu thời gian, làm cho giới trí thức chôn vùi cuộc đời theo khoa cử hay chốn văn chương, không thiết thực không còn thời gian mà suy nghĩ, hiến kế cho việc giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước.
Tuy nhiên, việc phê phán hư học ở Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ cũng có nhiều điểm khác nhau:
1) Nguyễn Trường Tộ tập trung vào việc phê phán hư học với việc chỉ ra sự bất lực của hệ thống quan lại được đào tạo theo chế độ khoa cử không còn thích hợp để giải quyết những vấn đề sống còn của đất nước. Còn Fukuzawa Yukichi thì phê phán lối giáo dục cũ là nền giáo dục trống rỗng, không thực tế, không mang lại lợi ích thiết thực hàng ngày, cản trở công cuộc duy tân đang diễn ra ở Nhật Bản.
2) Điểm khác thứ hai là trong khi phê phán hư học, Nguyễn Trường Tộ thường lấy dẫn chứng xung quanh giáo dục theo chế độ khoa cử cũ để phê phán hay biểu dương còn Fukuzawa Yukichi thì thường lấy những dẫn chứng liên quan đến sự nghiệp phát triển kinh tế-thương mại của Nhật Bản ra phân tích. Nguyễn Trường Tộ đưa ra những dẫn chứng cụ thể để chứng minh rằng, sản phẩm đào tạo của lối học cũ là đào tạo những quan lại giỏi thơ phú xưa những không biết thực thi sứ mệnh hiện tại của mình:“Tôi đã thấy nhiều quan lại nói năng hoạt bát, chuyện trên trời dưới đất thì thao thao bất tuyệt, thế mà đặt bút thảo một công văn giấy tờ thì phải nhờ thư lại” [6]. Fukuzawa Yukichi thì so sánh những nhà Hán học (Nho học) với tầng lớp thị dân Nhật Bản để chứng minh tính hư học của nền giáo dục cũ: “Xưa nay ít có nhà Hán học nào giỏi việc nhà, hiếm cho chonin (dân thành thị) nào giỏi làm waka mà lại thành công trong chuyện buôn bán. Điều này chứng tỏ lối học hành đó chỉ nhằm những chuyện xa vời và không có ích trong đời sống hàng ngày” [7].
Những điểm giống nhau của hai ông trong việc phê phán hư học chứng tỏ nền giáo dục truyền thống phương Đông vào giữa thế kỷ XIX đã xa rời thực tế, không đáp ứng được yêu cầu của hiện tại, không giải quyết được những vấn đề cấp bách của từng nước và khu vực. Còn những điểm khác nhau trong sự phê phán hư học phản ánh mối quan tâm cụ thể của hai ông đến những khiếm khuyết trong nền giáo dục từng nước.

3. Về chủ trưởng giáo dục “thực học”
Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ đều là người đi tiên phong trong việc khởi xướng nền giáo dục thực học và kêu gọi áp dụng thực học vào đất nước mình. Fukuzawa Yukichi cổ vũ mạnh mẽ cho tư tưởng thực học trong tác phẩm nổi tiếng Khuyến học công bố năm 1872. Còn Nguyễn Trường Tộ đã khởi xướng nền giáo dục thực học ở Việt Nam vào những năm 1860 bằng các điều trần Về việc học thực dụng (1866), Tế cấp bát điều (1867) Điểm giống nhau căn bản giữa hai ông là quan niệm về thực học là:
1) Theo hai ông, thực học là học những điều thiết thực cho cuộc sống hàng ngày. Cả hai ông đưa ra quan niệm thực học trong sự đối lập quan niệm này với quan niệm hư học, tức là học những điều không thiết thực. Hai ông cũng gắn liền thực học với giáo dục các môn khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật (thực nghiệm), những lĩnh vực rất thiếu trong nền giáo dục truyền thống ở phương Đông nói chung và ở Việt Nam cũng như Nhật Bản nói riêng.
2) Cả hai ông đều rất đề cao khoa học tự nhiên và kỹ thuật nhưng không quan niệm thực học chỉ là những môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật mà còn bao gồm cả những môn khoa học xã hội và nhân văn. Trong nhiều đề nghị cải cách giáo dục của mình, Nguyễn Trường Tộ trong khi nhấn mạnh cần học tập các môn khoa học tự nhiên cũng đã nhiều lần đề nghị cần phải thành lập các môn khoa học xã hội như khoa Luật học, Địa lý học để giáo dục thực học. Và Fukuzawa Yukichi cũng vậy, khi cổ vũ cho Khuyến học, ông chủ trương đề nghị đưa các môn khoa học xã hội như Lịch sử, Địa lý, Luật học vào giảng dạy ở bậc phổ thông và đại học.
3) Trong chủ trương thực học của hai ông là quan niệm học là học phải đi đôi với hành và hành phải đem lại những lợi ích thiết thực cho con người. Như trên đã trích dẫn, Nguyễn Trường Tộ cho rằng: “Học những gì thực tế thì sẽ có thực dụng”; “Là học những điều chưa biết để đem ra thực hành. Thực hành những gì? Thực hành ở đâu? Đó là thực hành những gì thực tế trước mắt và còn để lại lợi ích cho đời sau nữa” [8]. Còn Fukuzawa Yukichi chủ trương xây dựng một nền học vấn có tính thực tế và tính hiệu quả gần gũi với đời sống thường nhật của con người. Theo Fukuzawa, điều cần thiết trong học vấn là tính thực tế và lấy thực tế đó áp dụng cho cuộc sống hiện thực một cách hợp lý sẽ đưa tới kết quả to lớn cho đời sống của đất nước và cho mỗi người dân.
4) Quan niệm mục đích của thực học là hướng đến sự giàu mạnh của đất nước. Nguyễn Trường Tộ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: “việc học tập bồi dưỡng nhân tài là con đường rộng lớn đi tới giàu mạnh”. Còn Fukuzawa Yukichi còn đi xa hơn, việc học thực học sẽ làm cho thân phận, địa vị, sự giàu có của từng cá nhân và sự thay đổi của từng cá nhân đó sẽ dẫn tới sự thay đổi toàn xã hội: có học thức sẽ giàu có, sang trọng và sẽ đóng góp cho sự giàu mạnh của đất nước.
Quan niệm về giáo dục thực học của Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi rất giống nhau, giống nhau đến kỳ lạ. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ chúng ta cũng thấy có điểm khác nhau là, trong khi Nguyễn Trường Tộ thường gắn các ngành khoa học thực nghiệm với giáo dục thực học thì Fukuzawa Yukichi thường chú trọng đến khoa học tự nhiên (lý số) khi kêu gọi áp dụng nền giáo dục thực học vào Nhật Bản.

4. Chủ trương học tập phương Tây, cận đại hóa nền giáo dục
Fukuzawa còn nhấn mạnh việc Nhật Bản muốn phát triển ngang hàng với các cường quốc trên thế giới cần phải phổ cập một nền giáo dục cận đại theo kiểu phương Tây.
Trong các chuyến đi thị sát ở nước ngoài, ông đặc biệt chú ý đến những phát minh, sáng chế khoa học của phương Tây. Trong Tây dương sự tình, ông nói rằng điều gây ấn tượng mạnh mẽ đối với ông là các nước phương Tây có rất nhiều nhà phát minh, nhà kỹ thuật. Ông đặt câu hỏi: Tại sao các nước phương Tây lại như thế mà Nhật Bản lại không? Và trong quá trình thị sát và tìm hiểu phương Tây ông khẳng định rằng: Đó chính là do các nước phương Tây coi trọng các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật, sáng tạo ra nhiều thiết bị máy móc, hỗ trợ cho phát minh, sáng chế.  
Fukuzawa Yukichi cho rằng cần phải cân đại hóa nền giáo dục theo phương Tây, một nền giáo dục rất chú trọng đến khoa học tự nhiên, dựa vào khoa học tự nhiên để tạo nên các thiết bị máy móc hỗ trợ tích cực cho việc phát minh ra các kỹ thuật cao- yếu tố thiết yếu để cận đại hóa đất nước.
Một điểm mà ông cũng nhấn mạnh là phải học tập các nước phưong Tâ

y, coi trọng lao động trí óc hơn lao động chân tay. Lao động trí óc được xem là lao động chủ yếu thông qua trí lực của mình, thúc đẩy sự phát triển trình độ khoa học kỹ thuật của quốc gia cũng như nền văn minh của nhân loại. Những người lao động trí óc phải sử dụng nhiều trí lực, tiêu phí nhiều thời gian và tiền bạc để nghiên cứu các nguyên tắc vận động của sự vật và tìm ra được phát minh sáng chế có ích cho quốc gia. Vì vậy theo ông họ xứng đáng được nhân nhiều sự khích lệ hơn bất kỳ ai khác trong sự nghiệp phát triển nền khoa học nước nhà [ix].
Nguyễn Trường Tộ coi sự phát triển, tiến bộ của phương Tây lúc bấy giờ là kết quả của học thực dụng: “Người phương Tây cũng là người, họ đâu có thể vượt ra ngoài trời đất mà học, thế sao cái học của họ được công hiệu? ...Là do họ biết lấy những thực tế của tạo vật ra mà học” [x]. Đối với ông, học thuật phương Tây là một mô hình tốt, nên học tập. Tuy nhiên, theo ông,  học tập phương Tây là học kỹ thuật tiên tiến của họ chứ không phải học tập với tinh thần sùng bái họ, nô lệ họ và tự ty với chính minh. Bởi vì, theo Nguyễn Trường Tộ, phương Tây có trình độ khoa học kỹ thuật cao, nếu chúng ta biết học tập thì sớm biến thành tài sản quý giá cho minh để cải cách và xây dựng đất nước [xi].
            Ông đề cập cách học phương Tây một cách cụ thể và thiết thực: “Hiện nay, cái mà chúng ta rất thiếu thốn là sự học tập tài nghệ...Nếu họ đến khai thác một chỗ nào, thì quan quân chúng ta cũng đến đó, và mắt sẽ thấy nhiều điều mà học tập được. Còn thường dân của chúng ta thì làm cho họ, cư xử gần nhau, ăn mặc như nhau, như thế thì không ngoài mười năm, tài nghệ của dân ta sẽ không kém gì họ. Như vậy thì nhà nước không tốn một đồng tiền mà nhân dân đều học tập thành nghề cả”.
      Để cho nhân dân Việt Nam có thể học tập được tài nghệ của nước ngoài, Nguyễn Trường Tộ chủ trương một mặt phải cho người đi du học các nước châu Âu, một mặt phải mở mang các trường kỹ nghệ trong nước.  

Thay lời kết luận
  Như vậy, về tổng thể mà nói, đầu thế kỷ XIX điều kiện lịch sử của Việt Nam và Nhật Bản tương đối giống nhau thì giữa thế kỷ XIX, hai nước đã bắt đầu đi theo những lối rẽ khác nhau: Nhật Bản mở cửa và ngay sau đó tiến hành công cuộc duy tân toàn diện và rộng lớn làm biến đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống; Việt Nam tiếp tục đóng cửa, không thực thi các kiến nghị của các nhà tư tưởng cải cách, dẫn tới bị thực dân Pháp từng bước xâm lược.
Ở Nhật Bản, sau khi thành lập, chính quyền Meiji đã tiến hành công nghiệp hóa, cận đại hóa tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đất nước, trong đó có nền giáo dục. Mặc đầu không phải là nhà lãnh đạo trong chính quyền Meiji, nhưng Fukuzawa có vai trò to lớn trong việc vạch ra phương cách cận đại hóa đất nước, đặc biệt là cận đại hóa giáo dục đất nước. Ông đóng vai trò như là chiếc cầu nối giữa văn minh phương Tây và Nhật Bản, góp phần vào sự nghiệp văn minh khai hoá của Nhật Bản nửa sau thế kỷ XIX.
     Chính quyền Meiji hầu như đã thực thi tất cả những tư tưởng về cận đại hóa giáo dục của Fukuzawa Yukichi và nhờ vậy tư tưởng của ông về giáo dục đã đi vào thực tiễn, sống động, có đóng góp lớn trong sự nghiệp cải cách giáo dục, phát huy và nâng cao dân trí cho nhân dân, đưa Nhật Bản tiến kịp các cường quốc văn minh trên thế giới. Trong dịp kỷ niệm 100 năm nền giáo dục của Nhật Bản cận đại tính từ thời Meiji, Fukuzawa được tôn vinh là người thầy chính của sự nghiệp Duy tân. Tư tưởng về giáo dục, đặc biệt là giáo dục thực học của Fukuzawa đã là cơ sở lý luận cho nền giáo dục thực tế đào tạo ra những con người xây dựng nước Nhật Bản mới.
     Những tư tưởng về giáo dục của Fukuzawa trong cuốn Khuyến học là cơ sở để Bộ Giáo dục Nhật Bản soạn thảo cuốn Cơ sở làm nên đại nghiệp trình bày những cơ sở căn bản cho chính sách nâng cao dân trí bằng sự nghiệp phổ cập giáo dục từ hạ tầng đến thượng tầng.
     GS. Matsunaga đánh giá cao tư tưởng cận đại hóa giáo dục của Fukuzawa: “Việc coi trọng tư tưởng thực học của Fukuzawa chính là con đường làm cho đất nước phú cường. Người Nhật Bản thời Meiji được giải phóng khỏi chế độ phân chia đẳng cấp phong kiến, được học một nền giáo dục thực học có ích cho đời sống hàng ngày. Sự phân chia “sĩ-nông-công-thương” đã chấm dứt, việc kinh doanh thực nghiệp đã mở ra, “cá nhân cũng độc lập, gia đình cũng độc lập, quốc gia cũng độc lập”, những lời khởi xướng đó thật thích hợp với Nhật Bản trong việc tiếp thu văn minh phương Tây, để xây dựng quốc gia cận đại”.[xii]
  Ngược lại, tư tưởng cận đại hóa của Nguyễn Trường Tộ hình thành trong hoàn cảnh Việt Nam đang bị thực dân Pháp dần dần thôn tính làm thuộc địa nên nó không thu hút sự quan tâm rộng rãi của triều đình và dân chúng, và về cơ bản không được thực thi trong thực tế. Nói một cách chính xác thì triều đình nhà Nguyễn cũng đã có lúc muốn thí nghiệm thực hiện đề nghị của Nguyễn Trường Tộ về việc thiết lập trường kỹ thuật để giáo dục kỹ thuật cho người Việt Nam. Đó là vào năm 1866. Nguyễn Trường Tộ được vua Tự Đức tiếp kiến ở Tả Vu và sau đó Nguyễn Trường Tộ được tham gia vào phái đoàn của Việt Nam đi thăm Pháp để thực hiện kế hoạch lập một trường kỹ thuật ở Việt Nam như bao lần ông đề nghị. Năm 1868, Nguyễn Trường Tộ cùng sứ bộ Việt Nam trở về nước và mời về cho triều đình Huế 3 kỹ sư-giáo viên kỹ thuật, một chuyên viên kỹ thuật, nhiều sách giáo khoa và các dụng cụ thí nghiệm khoa học để triều đình lập ra một trường kỹ thuật, định thực hiện chủ trương cận đại hóa giáo dục của Nguyễn Trường Tộ. Đây có lẽ là thời kỳ đắc ý nhất trong cuộc đời của Nguyễn Trường Tộ, khi mà một số đề xuất về cải cách giáo dục, thực thi giáo dục thực học của Nguyễn Trường Tộ được Triều đình cho phép thực nghiệm [xiii]. Tuy nhiên, lúc này, việc mất 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ đặt mối quan tâm của Triều đình Huế vào việc làm sao để không cho Pháp mở rộng xâm chiếm ra các vùng khác và làm cách nào để lấy lại 3 tỉnh miền Tây nên việc lập trường kỹ thuật bị gác lại và lãng quên. Những tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ không được thực hiện, không có điều kiện để đóng góp vào sự nghiệp cải cách giáo dục và duy tân đất nước. Về sau, chúng ta nghiên cứu, đánh giá cao tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ thì cũng dừng lại ở việc đánh giá giá trị tư tưởng mà thôi.
Ngày nay, mặc dầu Nhật đã trở thành cường quốc kinh tế, có nền công nghiệp phát triển vào bậc nhất thế giới, song đa số người Nhật vẫn tìm được những bài học quý giá cho nước Nhật ngày nay qua tư tưởng của Fukuzawa. Dựa trên tinh thần thực học, thích ứng với hoàn cảnh lịch sử, không để mất cơ hội để duy tân đất nước, là di sản vô cùng quý báu mà Fukuzawa Yukichi để lại cho nước Nhật thế kỷ XXI. Những tư tưởng cận đại hóa giáo dục của Fukuzawa Yukichi cũng có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đổi mới giáo dục Việt Nam, một nước đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội canh tân đất nước theo đề xuất của những nhà tư tưởng xuất sắc như Nguyễn Trường Tộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Tài liệu tiếng Việt
1) Đặng Đức Thi, 2000, Về quan điểm “học thực dụng” của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Trường Tộ với canh tân đất nước, NXB Đà Nẵng
2) Đặng Huy Vận và Chương Thâu, 1961, Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIX , NXB Giáo Dục, Hà Nội
3) Fukuzawa Yukichit, 1995, Khuyến học (Nhật Bản:Canh tân giáo dục thời Minh Trị), Chương Thâu dịch, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội
4) Fukuzawa Yukichi , 2008, Khuyến học hay những bài học về  tinh thần thần độc lập về tư tưởng của người Nhật Bản, Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Trí thức, Hà Nội
5) Fukuzawa Yukichi, 2005, Phúc ông tự truyện, Phạm Thu Giang dịch, NXB Thế giới, Hà Nội)
6) Hoàng Thanh Đam, 2001, Nguyễn Trường Tộ, thời thế và tư duy canh tân, NXB Văn nghệ TP HCM
7) Hoàng Xuân Long, 1997, Tư duy Duy tân thế kỷ XIX: So sánh giữa Việt Nam và Nhật Bản, Nghiên cứu Nhật Bản, Số 1, Hà Nội
8) Nguyễn Tiến Lực, Fukuzawa Yukichi và tư tưởng Khai sáng của ông, Tạp chí Triết học, Số 2, 1995, Hà Nội
9) Nguyễn Tiến Lực, Nhận thức về Meiji Duy tân của các nhà tư tưởng cải cách Việt Nam cuối thế kỷ XIX, Nghiên cứu Lịch sử , Số 1, 2, 1997, Hà Nội
10) Nguyễn Thị Thanh Hiền, 2000, Tìm hiểu về tư tưởng khai sáng của Fukuzawa Yukichi, KLTN, Đông phương học, TP. Hồ Chí Minh
11) Nguyễn Văn Hồng, 1994, Lịch sử giáo dục thời Minh Trị, NXB Giáo dục, Hà Nội
12)  Nhiều tác giả, Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước, NXB Đà Nẵng, 2000.
13) Trương Bá Cần, 1988, Nguyễn Trường Tộ- Con người và Di thảo, NXB Thành phố Hồ Chí Minh 
14) Vĩnh Sinh, 2001, Việt Nam và Nhật Bản-Giao lưu văn hóa, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh

II. Tài liệu tiếng Nhật
15) 合田庫吉、1979、『福沢諭吉、吉川弘文館、1979 (Aida Soki, 1979, Fukuzawa Yukichi , Yoshikawa Kobunkan, Tokyo)
16) 長 幸男、1985、日本近代経済における福沢諭吉、『150年目福沢諭吉』、有斐閣、(Cho Yukio, 1985, Fukuzawa Yukichi bàn về kinh tế Nhật Bản cận đại, Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Fukuzawa Yukichi, Hiyukaku, Tokyo)
17) 桑原三郎、2001、『福沢諭吉教育観』、慶應義塾大学出版会、(Fuwahara Saburo, 2001, Quan điểm về giáo dục của Fukuzawa Yukichi, Keio Gijuku Daigaku Shuppankai, Tokyo)
18) 福沢諭吉、2001、『福翁自伝』、慶応義塾大学出版、(Fukuzawa Yukichi, 2001, Phúc ông tự truyện, Keio Gijutsu Daigaku Shuppan, Tokyo)
19) 福沢諭吉、1986、『文明論之概略』、岩波文庫 (Fukuzawa Yukichi, 1986, Khái lược về văn minh, Iwanami Bunko, Tokyo)
20) 伊原澤週、1999、「学問『勧学篇』をめぐって」、『日本中国における西洋文化摂取論』、汲古書(Ihara Takushu, 1979, Xung quanh hai cuốn “Khuyến học” và “Khuyến học biên” – Bàn về sự tiếp thu văn minh phương Tây của Trung Quốc và Nhật Bản, Kyukosho, Tokyo)
21) 今永清二、1979、『福沢諭吉思想形成』、けいそう書房、(Imanaga Seiji, 1979, Sự hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi, Keiso Shobo, Tokyo)
22) 上沼八郎、1985、日本近代教育福沢諭吉、『150年目福沢諭吉』、有斐閣、(Kaminuma Hachiro, 1985, Giáo dục Nhật Bản thời cận đại và Fukuzawa Yukichi, Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Fukuzawa Yukichi, Hiyukaku, Tokyo)
23)  内山秀雄編、1985、『150年目福沢諭吉』、有斐閣、(Uchiyama Hideo, 1985, Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Fukuzawa Yukichi, Hiyukaku, Tokyo)
24) 神山四郎、1985、福沢諭吉文明史論、『150年目福沢諭吉』、有斐閣、(Koyama Shiro, 1885, Lý luận về lịch sử văn minh của Fukuzawa Yukichi, Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Fukuzawa Yukichi, Hiyukaku, Tokyo)
25) Nguyen Tien Luc, 1997グエン・チュオン・トーの改革思想する一考察、十九世紀後半期ベトナム改革思想形成史研究序説、『史学研究』、217号、広島 (Nguyen Tien Luc, 1997, Nghiên cứu về tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ- Sự hình thành tư tưởng cải cách Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, Nghiên cứu sử học, Hiroshima)
26) 田中克佳、1985、「福沢諭吉教育論論考」、『近代日本研究』、4,(Tanaka Noriyuki, 1985, Luận về tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi, Kindai Nihon Kenkyu, 4, Tokyo)
27) 遠山茂樹、1970、『福沢諭吉』、東京大学出版会、(Toyama Shigeki, 1970, Fukuzawa Yukichi, Tokyo Daigaku Shuppankai)
28) 松永昌三、1985、福沢諭吉中江兆民、『150年目福沢諭吉』、有斐閣、(Matsunaga Shozo, 1985, Fukuzawa Yukichi và Nakae Chomin, Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Fukuzawa Yukichi, Hiyukaku, Tokyo)
29) 安川寿之輔、2003、『日本近代教育思想構造―福沢諭吉教育思想研究』、新評論(Yasukawa Junosuke, 2003, Tư tưởng giáo dục của Nhật Bản cận đại- Nghiên cứu về tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi, Shinhyouron, Tokyo)
30) 安川寿之輔、2000、『福沢諭吉のアジア認識』、高文研、(Yasukawa Junosuke, 2000, Nhận thức về châu Á của Fukuzawa Yukichi, Kobunken, Tokyo)



[1] Fukuzawa Yukichi, 2001, Phúc ông tự truyện, Keio Gijutsu Daigaku Shuppan, Tokyo, tr.11 (T. Nhật)
[2] Cuốn Tây dương sự tình bán được 25 vạn bản, trở thành sách bán chạy nhất, một hiện tượng của xã hội rất đáng chú ý Nhật Bản lúc bấy giờ.
[3] Vĩnh Sính, 2001, Việt Nam và Nhật Bản-Giao lưu văn hóa, NXB Văn nghệ TP. HCM, tr. 92-93.
[4] Dẫn theo Vĩnh Sính, 2001, Sđd, tr. 124.
[5] Trương Bá Cần, 1988, Nguyễn Trường Tộ - Con người và Di thảo, NXB TPHCM, tr. 192-193.
[6] Trương Bá Cần, 1988, Sđd, tr. 256.
[7] Dẫn theo Vĩnh Sính, 2001, Sđd, tr. 124.
[8] Trương Bá Cần, 1988, Sđd, tr. 248.
[ix] Fukuzawa Yukichi, 2008, Khuyến học hay những bài học về  tinh thần thần độc lập về tư tưởng của người Nhật Bản, Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Trí thức, Hà Nội, tr. 25.
[x] Trương Bá Cần, 1988, Sđd, tr. 136.
[xi] Xem Trương Bá Cần, 1988, Sđd, tr. 137.
[xii] Matsunaga Shozan, 1985, Fukuzawa Yukichi và Nakae Chomin, Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Fukuzawa Yukichi, Hiyukaku, Tokyo, tr. 89 (T. Nhật).

[xiii] Trương Bá Cần, 1988, Sđd, tr.32-53.
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=971%3Aso-sanh-t-tng-cn-i-hoa-giao-dc-ca-fukuzawa-yukichi-nht-bn-va-nguyn-trng-t-vit-nam&catid=85%3Ahi-tho-qua-trinh-hin-i-hoa-vn-hc&Itemid=147&lang=vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét