Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Phạm Phú Thứ - Một nhà nho canh tân

Tiến sĩ Nguyễn Minh San 
QĐND - Thứ Tư, 18/03/2009, 17:44 (GMT+7)
Từ những năm đầu của thế kỷ 19, ở Việt Nam có một vị quan văn trong triều đình Huế đã đề xuất và thực thi nhiều biện pháp canh tân đất nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế. Tư tưởng canh tân ấy của một nhà nho nước Việt đã xuất hiện trước cuộc Cách mạng Duy Tân của người Nhật 5 năm và đi trước tư tưởng cải cách của Khang Hữu Vy và một số sĩ phu Trung Quốc 7 năm. Vị quan ấy là Phạm Phú Thứ.

Phạm Phú Thứ sinh năm 1820, người xã Đông Dư, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thuộc dòng dõi nho học. Năm 22 tuổi, ông đỗ đầu kỳ thi Hương, năm sau đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi đỗ Tiến sĩ khoa thi Đình. Năm 1851, sau một chuyến công du sang Trung Quốc, được tận mắt chứng kiến sự phát triển của thương nghiệp tư bản ở mảnh đất tô giới Quảng Châu, ông đã nhen nhóm tư tưởng canh tân phát triển kinh tế. Khi được bổ làm quan án sát tỉnh Thanh Hóa, ông bắt đầu thực thi tư tưởng canh tân bằng các hoạt động ngoại thương đường biển. Đặc biệt, ông còn kiến nghị triều đình cho phép huy động thuyền buôn của dân thay thế tàu vận tải của nhà nước, chở gạo các tỉnh về bán ở Kinh thành, để tàu của nhà nước đặc trách việc vận chuyển hàng nặng và tuần tra bờ biển. Ông đề nghị nhà nước quy định biểu cước phí hợp lý để trả công cho thuyền dân và biểu lãi suất tính theo trọng lượng gạo và qui định lề lối kiểm tra chặt chẽ giá mua và giá bán. Song, đáng tiếc là sáng kiến này của ông đã bị triều đình Huế bác bỏ.
Năm 1863-1864, Phạm Phú Thứ được triều đình tin tưởng giao giữ chức Phó sứ cho Thượng thư Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết để chuộc lại 3 tỉnh Nam Bộ. Nhiệm vụ phái bộ vô cùng nặng nề, chẳng khác gì lấy miếng thịt trong miệng một con hổ đói. Cuộc đàm phán không thành. Người cầm đầu phái bộ bị vua Tự Đức trách cứ. Phạm Phú Thứ bị truất chức quan. Với một người luôn ưu thời mẫn thế, canh cánh một hoài vọng vươn tới sự canh tân cho đất nước, thì cái mất chức đó không đáng là bao so với cái được cho ông và cho dân tộc. Chuyến công cán ở Pháp và trên đường qua nhiều nước châu Âu chính là dịp để Phạm Phú Thứ mở rộng tầm mắt. Ông vô cùng kinh ngạc, khâm phục nền kỹ nghệ phương Tây. Song, không giống những người khác ca ngợi kỹ nghệ phương Tây có thể “sánh với trời”, Phạm Phú Thứ không tự ti, ông cho rằng nếu phương Đông sớm giỏi về kỹ thuật nữa thì phương Tây chẳng thể hơn được. Ông viết:
“Tảo giao Đông thổ kiêm trường kỹ,
Pha lý, Long đôn vị túc hiền”
Dịch:
Giá phương Đông sớm cừ kỹ thuật,
Ba Lê, Luân Đôn chắc gì đã hơn ta.
Với ý muốn học tập khoa học, kỹ thuật phương Tây để “lấy cái sở trường của họ”, ông đã ghi chép cẩn thận những điều mắt thấy, tai nghe trong tập Tây hành nhật ký. Ngoài giá trị văn chương, Tây hành nhật ký thực sự là công trình khảo sát nghiêm túc (miêu tả tỉ mỉ, số liệu chính xác) về bức tranh công nghệ tiên tiến của châu Âu bấy giờ. Ta có thể tìm thấy trong Tây hành nhật ký từ máy điện báo đến hệ thống công trình lọc nước ngọt, hệ thống trữ và dẫn nước mưa của Anh, xưởng khí đốt, xưởng bện dây thừng tàu biển, xưởng thủy tinh, xưởng giấy hoa, nhà máy thuốc lá, nhà nuôi tằm, xưởng tạc tượng, hiệu chụp ảnh, khinh khí cầu... đến các cơ sở kỹ nghệ công nghiệp nặng như: tàu thủy, xe lửa, luyện kim, cơ khí, đóng và sửa chữa tàu thủy, xưởng quân giới... của Pháp. Để diễn đạt được những khái niệm bách khoa, những thuật ngữ khoa học kỹ thuật mới mẻ và hoàn toàn xa lạ với người Việt Nam lúc bấy giờ bằng ngôn ngữ Hán cổ, Phạm Phú Thứ đã phải sáng tạo một loại thuật ngữ khoa học tổng hợp bảo đảm cả 3 yêu cầu: khoa học, dân tộc, hiện đại. Tây hành nhật ký cho thấy Phạm Phú Thứ có óc tư duy khoa học, óc quan sát, khảo sát thực tế đến kinh ngạc. Ông được xem là người đầu tiên có công xây dựng kho thuật ngữ khoa học kỹ thuật ở nước ta. Phạm Phú Thứ trân trọng dâng thành quả của mình lên nhà vua ngày 31-3-1864, đúng 2 ngày sau khi sứ bộ về đến Huế. Nhưng tiếc thay, tác phẩm ấy đã bị Viện Cơ mật triều đình Huế “bảo mật” gần 150 năm.
Trong thời gian 9 tháng ở nước ngoài, ngoài Tây hành nhật ký, Phạm Phú Thứ còn mang về một thứ vô cùng quý giá đối với những người nông dân nước ta. Đó là mẫu vẽ chiếc bánh xe tát nước bằng sức trâu của người Ai Cập được ông vẽ khi dừng chân ở Ai Cập. Về nước, ông cho người vẽ mẫu để phổ biến cho các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Nam, quê ông, để nhân dân áp dụng. Chiếc “xe trâu” này đã giúp người dân bớt được 15 lần công tát nước bằng gầu sòng trên diện tích 2 mẫu ruộng. Công cụ này nhân dân còn áp dụng cho đến những năm 50 của thế kỷ XX với cái tên “xe trâu”.
Tai nghe, mắt thấy văn minh phương Tây, chứng kiến thành tựu khoa học vĩ đại của nhiều nước, tư tưởng canh tân đất nước nói chung, tư tưởng kinh tế nói riêng của Phạm Phú Thứ đã hình thành rõ nét và được hoàn thiện. Ông dâng sớ phản ánh tư tưởng chính trị muốn đổi mới chính sách, mở rộng giao lưu với bên ngoài để đất nước giàu mạnh. Trong một tờ tấu lên triều đình, ông viết: Đối nội: nhà nước chẳng những cho phép mà còn khuyến khích dân tự do buôn bán, tự do sản xuất. Đối ngoại thì cần mở cửa. Mở cảng thông thương là điều không thể ngăn giữ được. Gương Trung Quốc, Xiêm La (Thái Lan) mời đón khách buôn đến nhiều thì thu thuế vào nhiều, đôi bên đều có lợi.
Không chỉ giỏi tìm ra những kế sách canh tân đất nước, khi có điều kiện, Phạm Phú Thứ đã mạnh dạn đưa những ý tưởng mới đó vào đời sống. Sau khi được phục chức, được làm Tổng đốc Hải-Yên, Phạm Phú Thứ đã đề nghị lên trên đồng thời vận động mấy tỉnh lớn ở ven sông Hồng bãi bỏ các trạm tuần ti các cửa biển và cửa sông, để thông thương hàng hóa. Cùng với việc đề nghị đánh thuế nấu rượu, thuế thuốc phiện và thuế đánh bạc, ông chủ trương cho tự do buôn bán gạo (kể cả đối với thương nhân người Hoa) theo đúng thuế biểu. Ông đề nghị quy định: thuyền chở tơ, gạo chỉ được vào Cửa Cấm (Ninh Hải), không được cập cửa Trà Lý (Nam Định). Ông cho khai rộng sông để thuận lợi cho việc vận tải, chủ trương đối xử bình đẳng với thuyền buôn các nước. Ông nhờ lãnh sự Pháp dạy ta về nghiệp vụ thương mại. Về công nghiệp, ông khuyến khích nhà giàu bỏ vốn mở mang công nghệ, đề nghị miễn tạp dịch và đánh thuế nhẹ các hộ tiểu thủ công. Ông đề nghị khai thác hơn 10 cơ sở mỏ sắt và than đá, cho dân nghèo khai thác than ở Quảng Yên để giải quyết công ăn việc làm cho dân, đồng thời tăng nguồn cung ứng cho xuất khẩu...
Mặc dù bị không ít kẻ dập vùi, nhưng nhờ có tài, lại có đức, Phạm Phú Thứ vẫn được triều đình trọng dụng. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ sung thương chính đại thần. Để khuyến khích tinh thần kỹ nghệ của nhân dân, ông cho khôi phục Nhà xuất bản Hải Học Đường (được thành lập từ thời Gia Long, nhưng sau đấy đóng cửa), cùng với các quan tỉnh có nhiệt tình in lại một số sách khoa học, kỹ thuật phương Tây được các giáo sĩ phương Tây và Trung Quốc viết hoặc dịch ra chữ Hán. Phạm Phú Thứ còn viết một số sách khoa học thực nghiệm, bước đầu phổ cập một số kiến thức khoa học và kỹ thuật của phương Tây như: Bác vật tân biên (nói về khoa học vật lý), Khai môi yếu pháp (phương pháp khai mỏ), Hàng hải kim châm (chỉ dẫn về kỹ thuật hàng hải), Vạn quốc công pháp (luật giao thiệp quốc tế)...
Tiếc thay, những kế sách Duy Tân, đi trước thời đại của Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Phạm Phú Thứ... lần lượt bị che khuất bởi mây mù trong mắt những “quân vương” thời ấy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét