Khác với Khúc Thừa Dụ, Lý Công Uẩn,
Lê Thánh Tông... vừa là người đề xướng cải cách vừa là người chỉ đạo thực hiện
nên đem lại nhiều kết quả, Nguyễn Trường Tộ chỉ với vai trò đề xướng cải cách
không có quyền chỉ đạo thực hiện nên kết quả không nhiều. Nhưng tư duy đổi mới
của ông lại có tác dụng lịch sử lớn lao.
Nó góp phần không nhỏ vào việc giải
quyết khủng hoảng của hệ tư tưởng ở Việt Nam thế kỷ thứ XIX - đưa dần hệ tư tưởng
tư sản dân chủ vào phủ định hệ tư tưởng phong kiến đã lỗi thời.
Nguyễn Trường Tộ là một trí thức
bình dân thông minh, ham học; một nhà yêu nước giàu lòng tự tôn, tự hào dân tộc;
một trí thức không màng công danh, phú quý.
Ông là một nhà cải cách đi từ đổi
mới tư duy đến đổi mới hành động. Tư duy của ông được biểu hiện cụ thể trong
các điều trần mà tiêu biểu là: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ; kế hoạch
làm cho dân giàu, nước mạnh; kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước; về khả
năng lấy lại ba tỉnh miền Tây; báo cáo về gặp viên lãnh sự Tây Ban Nha; tổ chức
gấp việc khai mỏ và đào tạo chuyên viên; kế hoạch thu hồi sáu tỉnh Nam Kỳ; bàn
về quan hệ với nước ngoài; canh tân và mở rộng quan hệ ngoại giao; nên mở cửa
không nên đóng kín...
Nguyễn Trường Tộ đã đề cập yêu cầu
cải cách một cách toàn diện; cả về kinh tế (công, nông, thương nghiệp, tài
chính); văn hóa (giáo dục, ngôn ngữ), xã hội (cải thiện đời sống), chính trị (nội
trị, ngoại giao, quốc phòng).
Tinh thần khoa học của cải cách
được thể hiện nổi bật ở hai điểm:
1- Coi trọng phát triển lực lượng
sản xuất xã hội, với những đề nghị cụ thể như: “mua đóng thuyền máy”, “khai
thác tài nguyên”, “đào thiết cảng", “ký hợp đồng với nước ngoài”, “mở rộng
quan hệ với Pháp và các nước", “cử người đi đào tạo về sửa chữa thuyền
máy”, “đào tạo chuyên viên về mỏ", “gửi người sang Pháp học kỹ thuật",
“gửi sinh viên sang Singapore học sinh ngữ”... Ông tin rằng làm như thế thì
“không ngoài mấy trăm năm nữa các nước phương Đông cũng nhờ đó mà đánh bại
phương Tây”.
2- Phát triển khoa học công nghệ,
đặc biệt là coi trọng việc chuyển giao công nghệ.
Về kỹ thuật nông nghiệp, Nguyễn
Trường Tộ không chỉ đề ra yêu cầu phát triển sức sản xuất mà còn coi trọng việc
bảo vệ môi trường sinh thái:
“Săn thú không săn thú bầy, không
bắt thú con; bắt cá không tát cạn ao đầm; không đốt rừng để săn thú; sói chưa tế
thú không được săn; rái chưa tế cá không được thả lưới... Không giết vật có
thai, không phá tổ hốt trứng...”.
Về công nghiệp thì coi trọng khả
năng thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài: "Hiện nay các hội buôn của họ sang
nước ta, có hội thì xin mở đường xe lửa suốt cả Nam Bắc, có hội muốn khai mỏ dọc
theo các núi, có hội muốn xin thuyền đi dọc biển để tiễu phỉ, có hội muốn thông
đường buôn bán...". Về mỏ thì: "Xin gấp rút mời một vài người Tây có
thể tin cậy được, hậu đãi họ... theo ven núi ven biển mà tìm kiếm... rồi sau chọn
lấy những mỏ tốt nhất mà để lấy dành lại về sau để tự khai thác...”.
Nhìn chung lại toàn bộ các điều
trần của Nguyễn Trường Tộ đều chứa đựng một tinh thần yêu nước nồng nàn, một ý
chí tự lập tự cường sâu sắc, một tấm lòng tự tôn, tự hào dân tộc cao cả, coi trọng
phát huy trí thông minh, lòng ham học, tinh thần cầu tiến bộ của nhân dân ta với
lòng mong muốn làm cho dân giàu nước mạnh, đất nước được độc lập tự do.
Nhưng những đề nghị của Nguyễn
Trường Tộ không được triều đình chấp nhận. Chỉ cho thi hành được một vài việc
nhỏ như: Lập đoàn đi tìm mỏ than, đào xong kênh Sát ở Nghệ An, mua sắm được một
số thiết bị, khí cụ khoa học và công nghệ, mời được mấy kỹ thuật viên.
Mặc dù vậy, tư duy cải cách của
Nguyễn Trường Tộ đã có tác dụng đi đầu cho cả một trào lưu cải cách, đổi mới ở
cuối thế kỷ thứ XIX với nhiều nhân vật cải cách có tên tuổi như Nguyễn Lộ Trạch,
Đinh Văn Điền, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện... Tư duy cải cách của Nguyễn Trường Tộ
là một điển hình về đổi mới tư duy thời cận đại Việt Nam. Sang đầu thế kỷ XX
thì tư duy cải cách, đổi mới ở Việt Nam đã đơm hoa kết trái trong phong trào
Duy tân cải cách do Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đề xướng. Hai nhà yêu nước
kiệt xuất này đã gây nên một làn sóng Duy tân mở đầu cho trào lưu cách mạng dân
tộc dân chủ tư sản Việt Nam ở đầu thế kỷ XX.
GS. VĂN TẠO (BÁO QUẢNG NAM); http://lichsu.tnus.edu.vn/chi-tiet/444-Nhung-nhan-vat-cai-cach-trong-lich-su-9---Nguyen-Truong-To
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét