- Nguyễn Văn Hòa
|
“Lòng
dân toàn quốc Việt Nam” là lợi thế của chúng ta, là sức mạnh của chúng
ta, là điều kiện để phát huy nội lực. Sức mạnh đó, lợi thế đó, điều kiện
đó vốn đã được động viên trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và
giữ nước của dân tộc Việt Nam. Và giờ đây, lòng dân của toàn quốc Việt
Nam vẫn là chỗ dựa cần thiết để đưa nước ta vùng dậy “rửa cái nhục mất
nước”, là bí quyết thành công. Bởi vậy, đối với Phan Bội Châu, đồng lòng
chẳng những là một yêu cầu tất yếu để xây dựng thực lực cho cách mạng,
mà còn là một điều ghi lòng tạc dạ. “Đồng tâm chữ ấy nên biên vào
lòng”(16).
Tăng
cường sự đồng lòng là tăng cường sức mạnh, vì thế Phan Bội Châu đã
tranh thủ mọi điều kiện để củng cố và mở rộng sự đồng lòng này. Trong
những năm tháng bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ông đã đứng ra thành lập
Hội Đông Á đồng minh, Hội Điền – Quế - Việt liên minh và Hội Chấn Hoa
hưng Á nhằm tăng cường thực lực để cứu nước, giải phóng dân tộc. Sự mở
rộng này mới chỉ dựa trên cơ sở “đồng chủng thì đồng cừu”, “đồng bệnh
thì tương liên” nên có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lúc bấy
giờ, tư tưởng đó đã vượt qua tầm nhìn hạn chế của nhà Nho và nó có tác
dụng tích cực trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh nội lực kết hợp
với tranh thủ khai thác, tận dụng và huy động các nguồn lực từ bên ngoài
hướng vào mục đích cứu nước, giải phóng dân tộc.
Trình
độ học vấn và dân trí của một nước có ảnh hưởng quan trọng đến chất
lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định trong việc sử dụng các nguồn
lực khác. Do đó, có thể nói, tri thức là nguồn nội lực - nguồn lực chất
xám. Phan Bội Châu cho rằng, con người không có tri thức thì chẳng khác
gì súc vật, chỉ biết ăn, uống, hay chỉ là “giá áo túi cơm” mà thôi. Tri
thức là dấu hiệu cơ bản để phân biệt, so sánh con người với vạn vật và
đưa con người lên vị trí ưu đẳng, đóng vai trò là “bậc tôn trưởng ở
trong vạn vật”. Tri thức chẳng những mang lại sức mạnh cho con người, mà
còn mang lại sự phát triển cho từng dân tộc. Quy luật của cạnh tranh là
mạnh được, yếu thua, mà theo Phan Bội Châu, trong cạnh tranh thì “cạnh
tranh bằng tâm trí” ngày càng đóng vai trò quan trọng: “Cuộc cạnh tranh
của thế giới hiện nay, tri thức với kinh tế chiếm phần rất lớn, còn dũng
lực thì chỉ bộ phận mà thôi”(17). Chính vì thế, trong cuộc đua tranh
quyết liệt giữa các dân tộc, chiến thắng tất yếu sẽ thuộc về những dân
tộc nào có tri thức cao hơn. Điều này cũng nói lên rằng, tri thức là sức
mạnh, là thành tố quan trọng của nội lực.
Phan
Bội Châu đã chỉ cho mọi người thấy rằng, ngu thì mê muội, ngờ vực nhau,
ghét nhau, chia lìa nhau, ngu thì dại, ngu thì hại nhau, ngu thì bạc
nhược, cam chịu, yếu hèn… Mà yếu thì mất, mất thì diệt, diệt thì tuyệt.
Vì thế, để thoát khỏi họa diệt chủng thì dân tộc Việt Nam phải vươn lên
để tự khẳng định bằng tài năng và trí tuệ của bản thân mình. “Gương tri
thức ta nếu không mài cho trong còn ai là người mài hộ; đèn tri thức ta
nếu ta không khêu cho rạng; còn ai là kẻ khêu giùm?... Dùng sức đầu óc
mình thề đua đuổi với bạn văn minh, dùng cái sức tự động của mình, mà mở
mang lấy tri thức mình”(18).
Càng
cạnh tranh khốc liệt bao nhiêu thì vai trò của tri thức càng thể hiện
rõ bấy nhiêu. Phan Bội Châu đã ý thức rằng, trong cuộc cạnh tranh của
thế giới hiện nay thì ngu dốt không thể thích ứng được và sớm hay muộn
tất phải đào thải. Ông đã từng khuyến cáo: chết vì “bụng đói” vốn là một
thảm hoạ, còn chết vì “óc đói” thì là thảm họa thật khôn lường, vì nó
sẽ để lại nhiều di chứng tai hại, lâu dài cho các thế hệ tiếp sau.“Cái
họa chết bằng óc đói, thiệt tai hại hơn cái chết bằng bụng đói không
biết bao nhiêu”(19).
Phan
Bội Châu tin tưởng rằng, trong cuộc cạnh tranh giữa Việt Nam với dân
tộc khác thì chiến thắng sẽ thuộc về dân tộc ta. Bởi lẽ, người Việt Nam
vốn có tư chất thông minh. Trong Việt Nam vong quốc sử, Phan Bội Châu viết: “Người Việt Nam nhờ được chính khí của ly hỏa sẵn thông minh dễ dạy”(20).
Từ
thực tế trên con đường hoạt động cứu nước của mình, Phan Bội Châu đã
thấy rõ nguồn lực chất xám của dân tộc Việt Nam. Nguồn lực đó cần phải
được bồi bổ và phát huy để đủ sức giúp dân tộc giành chiến thắng trong
cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Chính tư tưởng này đã đặt cơ sở lý
luận cho một số chủ trương của Phan Bội Châu, như chủ trương du học,
thực hiện cải cách giáo dục, nâng cao dân trí và đào tạo, bồi dưỡng nhân
tài. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên trong cảnh “nước sôi, lửa bỏng” lúc
bấy giờ, mà ông vẫn dành nhiều tâm huyết đối với việc nâng cao dân trí,
đào tạo nhân tài cho đất nước; trực tiếp lãnh đạo phong trào Đông Du,
kêu gọi mọi người đoàn kết hỗ trợ nhau để nâng cao dân trí.
Nâng
cao trình độ dân trí, phát triển giáo dục là một trong những giải pháp
chủ yếu để tăng cường sức mạnh nội lực - nhiệm vụ cần kíp của sự nghiệp
cứu nước. Con người muốn có tri thức phải thông qua con đường học tập và
rèn luyện; giáo dục là biện pháp hữu hiệu nhất, là phương thuốc tốt
nhất để nâng cao trình độ dân trí. “Phàm người trong một nước mà giàu
mạnh được có thể cùng thế giới tranh đua, giành sự sống còn phải lấy
giáo dục làm cơ sở”(21).
Dân trí phát đạt thì kinh tế mới được mở mang, dân trí lên cao thì dân
quyền được tôn trọng. Vì vậy, sức mạnh nội lực sẽ được tăng cường trên
cơ sở nâng cao dân trí, vun đắp nhân tài.
Đối
với Phan Bội Châu, giáo dục là khuôn đúc con người, là sinh mệnh của
dân, còn dân là sinh mệnh của nước; sự tồn vong và hưng thịnh của đất
nước một phần phụ thuộc vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo và bồi
dưỡng nhân tài. Ông viết: “Thời bao nhiêu sự nghiệp to lớn thảy ở tay
bình dân làm nên; mà bình dân sở dĩ làm được sự nghiệp lớn tất trước
phải có giáo dục”(22).
Giáo
dục là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho mọi sự thành công. Nếu không
có giáo dục thì yếu tố quan trọng nhất để gia tăng nội lực là con người
Việt Nam sẽ không được phát huy. Ở đây, cũng cần phải nói thêm rằng,
các yếu tố ở bên ngoài con người chỉ có thể trở thành phương tiện hữu
hiệu để tăng cường sức mạnh khi được con người sử dụng. Chính vì thế,
mọi người Việt Nam phải được giáo dục, phải có nghĩa vụ và trách nhiệm
đối với giáo dục, vì đó là cách khơi lực và hợp lực nhằm tạo nên sức
mạnh bên trong - sức mạnh nội lực.
Năng
lực sáng tạo của con người là vô tận và đó chính là trung tâm sức mạnh
của con người. Do đó, giáo dục phải khử trừ tính ỷ lại, cách suy nghĩ
theo lối tầm chương, trích cú cũng như cách học theo “đạo nghĩa suông”;
giáo dục phải tạo cho con người có “não chất độc lập”, dám nghĩ, dám
làm, tự tin ở chính mình. Phan Bội Châu viết: “Cái lo của người học giả
không gì hơn là tự mình không có tai mắt, mà phải nhờ tai mắt người làm
tai mắt mình, không có chân tay mà phải mượn chân tay người làm chân tay
mình, không có tâm tư mà phải nhờ tâm tư người làm tâm tư mình. Các học
phái của nước ta đã khỏi bệnh ấy chưa? Không có não chất độc lập nên
mới như thế đấy”(23).
Khử trừ tính ỷ lại, xây dựng não chất độc lập trong mỗi con người là
giải pháp quan trọng để khơi dậy và phát huy ý chí tự lập, tự cường, tài
năng, thông minh và sáng tạo của con người Việt Nam vào sự nghiệp cứu
nước giải phóng dân tộc, làm gia tăng sức mạnh nội lực.
Quan
tâm đến việc xây dựng nguồn nội lực, giải quyết mối quan hệ giữa nội
lực và ngoại viện nhằm tăng cường thực lực để tiến hành cứu nước, giải
phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân là tư
tưởng quán xuyến trong suốt cuộc đời hoạt động của Phan Bội Châu. Theo
ông, nội lực là cái đóng vai trò quyết định để “xối máu nóng rửa vết nhơ
nô lệ”, giành lấy quyền bính về tay nhân dân, xóa bỏ những dấu vết độc
hại của chính thể chuyên chế, xây dựng chính thể cộng hoà; còn ngoại
viện chỉ đóng vai trò phụ trợ, làm thanh thế cho nội lực mà thôi.
Tư
tưởng của Phan Bội Châu về nội lực không tránh khỏi những hạn chế nhất
định do hoàn cảnh lịch sử chi phối và do điều kiện chủ quan mà bản thân
ông chưa thể vượt qua được. Nhưng những hạn chế ấy không thể làm lu mờ
những giá trị tích cực trong tư tưởng của ông về nội lực. Tư tưởng này,
đến nay, vẫn còn ánh lên những yếu tố hợp lý và có ý nghĩa lý luận và
thực tiễn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện chủ trương
phát huy nội lực, trước hết là phát huy nguồn lực con người../
(1) Phan Bội Châu. Toàn tập, t.6. Nxb Thuận Hoá, Huế, 1990, tr.209.
(2) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.316.
(3) Phan Bội Châu. Sđd., t.6, tr.74.
(4) Phan Bội Châu.Sđd., t.2, tr.256.
(5) Phan Bội Châu.Sđd., t.1, tr.149.
(6) Phan Bội Châu. Sđd., t.6, tr.211.
(7) Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.135.
(8) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.448.
(9) Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.602.
(10) Phan Bội Châu. Sđd.,t.2 ,tr.75.
(11) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.245.
(12) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.216.
(13) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.233.
(14) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.204.
(15) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.275.
(16) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.237.
(17) Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.467-468.
(18) Phan Bội Châu. Sđd., t.4, tr.93-94.
(19) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.146.
(20) Phan Bội Châu. Sđd., t.4, tr.254.
(21) Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.525-526.
(22) Phan Bội Châu. Sđd., t.10, tr.173.
(23) Phan Bội Châu. Sđd., t.1, tr.168.
(22) Phan Bội Châu. Sđd., t.10, tr.173.
(23) Phan Bội Châu. Sđd., t.1, tr.168.
Nguồn:t/c Triết học(6/2008)
http://vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe/nguoi-xu-nghe/1797-tu-tuong-bao-luc-cua-phan-boi-chau.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét