Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Yukichi Fukuzawa (1835-1901) – Nhà tư tưởng công cuộc duy tân Minh Trị của Nhật bản


Fukuzawa Yukichi được coi là nhà tư tưởng trong cuộc “canh tân” thời Minh Trị biến Nhật bản từ một quốc gia lạc hậu và cô lâp trở thành một cường quốc rên thế giới. Ngày nay, chúng ta có thể nhìn thấy chân dung Fukuzawa Yukichi trên tờ 10,000 Yên, tờ bạc lớn nhất Nhật bản. Ðiều đó thể hiện lòng biết ơn và sự ghi nhận của chính phủ và nhân dân Nhật bản đối với những đóng góp to lớn của ông cho việc xây dựng một nước Nhật bản “mới”.
Fukuzawa sinh năm 1835 tại thành phố Osaka trong một gia đình võ sĩ đạo lớp dưới thuộc lãnh địa Nakasu (một tỉnh thuộc miền Bắc đảo Kyushu). Cha mất khi ông mới 18 tháng. Gia đình ông rất nghèo, bản thân Fukuzawa phải làm nghề chữa dép và các công việc thấp kém khác cho mãi đến năm 14 tuổi, ông mới được đến trường. Nhưng ngay lập tức Fukuzawa thể hiện trí tuệ xuất sắc của mình và luôn là sinh viên giỏi nhất lớp. Sau này, Fukuzawa từng hai lần đến Mỹ và đi khắp châu Âu tìm hiểu những nền tảng căn bản của xã hội hiện đại đang phát triển và nhận thấy tiến bộ kỹ thuật có vai trò quyết định mang lại sự thịnh vượng ở phương Tây. Fukuzawa tin rằng những thay đổi cách mạng trong suy nghĩ và kiến thức của con người là yêu cầu cơ bản nhất đối với quá trình hiện đại hoá Nhật bản.
Fukuzawa hiểu rằng sứ mạng của mình là sự nghiệp giáo dục và nghề làm báo, cách để ông đưa tư tưởng của mình đến với công chúng. Vì thế, suốt đời ông ra sức giới thiệu tình hình các nước Phương Tây, đề xướng dân quyền, xúc tiến “văn minh khai hoá”. Các tác phẩm chủ yếu của Fukuzawa là Thực trạng Phương Tây (Seiyo jijo), Khuyến học (Gakumon no Susume ) [1], Phác thảo lý thuyết về sự văn minh (Bunmeiron no gairyaku), dịch cuốn “Kinh tế chính trị’ của J.H Burton trình bày những nguyên tắc cơ bản cho việc cấu thành một xã hội văn minh. Fukuzawa cũng dịch và viết những cuốn sách về phương Tây, viết những sách giáo khoa cơ bản về rất nhiều lĩnh vực như vật lý, địa lý, nghệ thuật quân sự, Nghị viện Anh và quan hệ quốc tế. Những tác phẩm này hấp dẫn không chỉ vì những chủ đề mới lạ mà còn ở cách hành văn cách tân rất bình dị. Nhờ những quyển sách này, người Nhật có cơ hội hiểu biết về nền văn minh mới.
Tư tưởng chủ yếu nhất của Fukuzawa đó là nền độc lập của quốc gia cũng như của các cá nhân không thể tách rời khỏi kiến thức và văn minh. Ðộc lập dân tộc đối với ông không phải chỉ là giành được quyền tự trị vào tay nhân dân Nhật bản mà nền độc lập thật sự chỉ giành được bằng việc trở thành một quốc gia tiên tiến và văn minh. Nếu không có sự khai sáng và văn minh, nền độc lập giành được sẽ mau chóng mất đi, để rồi lại lệ thuộc vào các quốc gia tiên tiến khác. Ðể đạt được mục tiêu độc lập thật sự, nước Nhật bản cần thay thế phương pháp học truyền thống bằng việc dạy các ngành khoa học thực tiễn của Phương Tây. Dân chúng càng được giáo dục thì nền độc lập quốc gia càng được khẳng định, đồng thời sự thịnh vượng và đạo đức cũng như chất lượng xã hội sẽ tăng lên.
Bài luận đầu tiên trong tác phẩm Khuyến học chính là lời tuyên ngôn của Fukuzawa đối với công chúng về vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục. Ông viết: “…Thượng đế không sinh ra người này hơn hoặc kém người kia. Mọi sự bất bình đẳng giữa những người khôn ngoan và người ngu ngốc, giữa giàu người và người nghèo, đến xuất phát từ việc giáo dục”.
Trong tác phẩm này, ông thúc giục người Nhật học bốn mươi bảy ký tự kana của tiếng Nhật để tham khảo sách giáo khoa và dễ tiếp cận các ngôn ngữ Phương Tây, học những phép toán và bàn tính, cách để sử dụng khối lượng và các dụng cụ đo đạc rồi đến những lĩnh vực khoa học khác. Không chỉ dừng lại ở việc vận động viết sách, viết báo, năm 1858, Fukuzawa Yukichi đã thành lập trường đại học Keio. (Trường Khánh ứng Nghĩa thục) để triển khai những tư tưởng của mình vào thực tiễn vì ông muốn đào tạo ra những thế hệ thanh niên – trí thức Nhật bản mới.
Một quan điểm khác của Fukuzawa đó là lý thuyết về nền văn minh. Các nhà trí thức Nhật bản khi đó có những luồng tư tưởng khác nhau, một số người rất hâm mộ hình mẫu văn minh lý tưởng của Phương Tây, trong khi những người khác miễn cưỡng chấp nhận hoặc thậm chí chống đối các giá trị và nguyên tắc hiện đại. Fukuzawa dành cả năm 1874 để viết tác phẩm “Phác thảo lý thuyết về sự văn minh” nhằm thuyết phục trí thức Nhật chấp nhận quá trình hiện đại hoá.
Với Fukuzawa, “Văn minh” vừa là mục đích, vừa là biện pháp để giành được nền độc lập thật sự cho nước Nhật. Ông viết: “Văn minh, trong nghĩa rộng, văn minh không chỉ là những tiện nghi hàng ngày đáp ứng nhu cầu của con người mà còn là việc hoàn thiện các kiến thức và trau dồi đạo đức để nâng cuộc sống con người lên một tầm cao mới. [...] [Như vậy] văn minh bao gồm cả những tiện nghi vật chất và ý thức. Cuối cùng, văn minh có nghĩa là sự tiến bộ cả về kiến thức và đạo đức của con người”
Fukuzawa chỉ trích mạnh mẽ chương trình giáo dục truyền thống ở Nhật, chỉ chú trọng học thuộc những cuốn sách cổ xưa, thích thú đọc và làm thơ, nghiên cứu những điều không thực tế. Các học trò ở Nhật không được khuyến khích cách suy nghĩ mới mẻ, độc đáo và không được dạy các môn học thiết yếu và cần thiết. Vì thế, đa phần dân chúng Nhật thờ ơ đối với những vấn đề xã hội. Họ ngây thơ và mù quáng trung thành với Hoàng đế và không hề dám nghĩ đến những hành động vượt ra ngoài các khuôn phép đó. Fukuzawa coi đây là điểm yếu nhất trong nền văn minh của Nhật bản. Fukuzawa viết, “Trong văn minh Phương Tây, cơ cấu xã hội bao gồm nhiều lý thuyết khác nhau phát triển liên tục, tiệm cận dần đến nhau và cuối cùng hợp nhất vào trong một nền văn minh, chính quá trình này hình thành nên sự tự do và độc lập”.
Rõ ràng nền văn minh Nhật bản đã bị tụt lại đằng sau phương Tây. Fukuzawa bình luận rằng Nhật bản và Trung quốc chỉ mới ở giai đoạn “bán văn minh”, khoảng cách giữa phương Ðông và phương Tây là rất lớn. Việc chính quyền chỉ mua vũ khí hiện đại và máy móc không thể làm cho nước Nhật đuổi kịp phương Tây, bởi văn minh là sự phát triển của chính tư duy, là sự ưu việt và kiến thức của toàn bộ dân tộc. Ông kết luận rằng “Văn minh là Mục đích của chúng ta” và viết: “Hơn nữa, những tranh luận rằng chính thể quốc gia là Ðạo Thiên chúa hay Khổng giáo đều không thể được dân chúng ủng hộ. Tôi nói rằng chỉ có một thứ để đạt được mục đích của chúng ta và tiến tới một nền văn minh, đó là không thể giữ gìn nền độc lập bằng cách nào khác ngoại trừ việc tạo dựng nền văn minh cho nước Nhật”.
Trong nhiều năm liền, Fukuzawa đã giành nhiều công sức thúc đẩy chương trình cải cách và khai sáng cho các quốc gia láng giềng như Trung quốc, Triều tiên và cả Việt nam. Fukuzawa khuyến khích những nhà cải cách Triều tiên là Pak Yong-hyo và Kim-Ok-kyun gửi những thanh niên trẻ, có tài tới Nhật học và khuyên họ mở tờ báo để khai sáng cho dân chúng tiến tới đòi độc lập cho Triều tiên. Nhưng tư tưởng truyền thống và bảo thủ ở Triều tiên, Trung Quốc đã dẫn tới sự tách biệt giữa các quốc gia Ðông á, trong khi Nhật bản đi theo con đường “duy tân” thì Triều tiên và Trung quốc chống lại. Trong bài báo Datsu-a-ron [Về sự khởi hành của Châu á], năm 1885, Fukuzawa tuyên bố: “Ðo đó, chính sách cấp bách của chúng ta không nên để phí thời gian chờ đợi sự khai sáng của các quốc gia láng giềng [Triều tiên và Trung quốc] để cùng đi với họ trong việc phát triển châu á, mà nên tách rời khỏi họ để gia nhập cùng các quốc gia văn minh phương Tây [...] Chúng ta cần hành động đúng như những gì người Phương Tây làm”.
Những tư tưởng của Fukuzawa cũng ảnh hưởng lớn tới tư tưởng cứu nước của những nhà nho học Việt nam đầu thế kỷ XX với Duy Tân Hội và phong trào Ðông Du của Phan Bội Châu. Noi gương trường Khánh ứng Nghĩa thục, các nhà nho học như Phan Chu Trinh, Lương Văn Can thành lập trường Ðông kinh Nghĩa thục ở Hà nội (tháng 3-12/1907) nhằm bồi dưỡng và nâng cao lòng yêu nước của học sinh, sinh viên, truyền bá những tư tưởng mới mẻ và nếp sống văn minh tiến bộ. Nhưng thật tiếc rằng, tư tưởng “canh tân” ở Việt nam cũng thất bại giống như các quốc gia Triều tiên và Trung quốc láng giềng.
Ngoài ra, Fukuzawa cũng mạnh mẽ đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Fukuzawa lên án những thói quen khinh thường phụ nữ của nam giới, tố cáo những vết tích còn lại của chế độ đa thê, coi đó là những phong tục kém văn minh nhất của xã hội Nhật. Trong bức thư của một phụ nữ gửi vợ Fukuzawa khi ông qua đời năm 1901 có viết: “Bất cứ lúc nào, tôi đọc bài báo của Tiên sinh về phụ nữ Nhật trong tờ báo Jiji-shimpo, tôi đều biết ơn khi thấy Tiên sinh là người bạn thật sự của chúng tôi. Việc Tiên sinh mất đi thật sự là nỗi đau buồn vô hạn [...] Với những giọt nước mắt, tôi chân thành hy vọng rằng những mong ước của Tiên sinh mãi mãi lan toả trên khắp đất nước chúng ta”./.
Nguyễn Cảnh Bình
(*) Bài đăng trên tạp chí Tia sáng số tháng 8/2002

2 nhận xét:

  1. Thầy ơi, em có mấy bài liên quan đến chủ đề này muốn gởi đăng trên Blog này được không?

    Trả lờiXóa
  2. Bạn có thể gởi bài cho mình qua Email: phamphucvinh@gmail.com.
    Cam ơn Bạn đã quan tâm.
    Chúc sức khỏe,

    Trả lờiXóa