Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Vài ý kiến đóng góp vào việc tìm hiểu và đánh giá Nguyễn Trường Tộ

Vĩnh Sính
Tiến sĩ Sử học, Đại học Alberta, Canada
Đã từ lâu lắm, có lẽ từ khi cụ Phan Bội Châu và các hội viên của Duy Tân Hội đang còn tìm cách gởi thanh niên Việt Nam sang Nhật du học qua phong trào Đông Du, cái tên Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) thỉnh thoảng lại gợi đến cho người Việt một niềm tự hào, tin tưởng vào giấc mộng canh tân đất nước. Ta tự nghĩ, nếu từ thập niên 1860, khi Việt Nam vừa mới phải trạm chán với những thách đố đầu tiên của Tây phương mà trong nước chúng ta đã có người nhìn xa thấy rộng như Nguyễn Trường Tộ, thì quả thật nước ta đâu có thiếu nhân tài. Thoạt nhìn sang các nước láng giềng vào lúc đó thì số phận của họ đâu có gì sáng sủa hơn Việt Nam cho lắm. ! Ở Trung Hoa, sau thất bại nhục nhã trong chiến tranh nha phiến (1839-1842), quan viên triều đình nhà Thanh vừa phải đương đầu với loạn Thái bình Thiên quốc, vừa phải tìm cách chấn hưng đất nước qua chính sách “tự cường”. Ngay số phận của Nhật Bản trước Minh Trị Duy Tân(1868) cũng như ngàn cân treo sợi tóc: việc chính quyền Tokugawa ký kết một loạt hiệp ước bất bình đẳng với các nuớc Tây phương vào năm 1858 không có sự thoả thuận của Thiên hoàng đã trở thành lý do để các nhóm chống đối (mà tụ điểm là các vũ sĩ cấp dưới ở Satsuma và Chôshu) buộc tội; bên ngoài thì Pháp Anh nhòm ngó; Pháp ủng hộ chính quyền Tokugawa và Anh ủng hộ nhóm Satsuma – Chôshu. Nếu những tranh chấp và mâu thuẫn nội bộ của Nhật Bản không được khôn khéo giải quyết nhanh chóng và kịp thời để đối phó hữu hiệu với tình hình quốc tế lúc bấy giờ thì Nhật Bản cũng đã trở thành một miếng mồi ngon cho các nước Tây phương, chẳng khác gì số phận các nước Á châu khác.
Nhìn gương canh tân của Nhật Bản kể từ Minh Trị Duy Tân, ta thường ấm ức, than trách vua quan nước ta hồi đó đã không biết thức thời để lắng nghe những lời trần tình của Nguyễn Trường Tộ, đến nỗi bỏ lỡ vận hội canh tân nước nhà. Mặc dầu chúng ta thường nói và nhắc nhở nhiều đến Nguyễn Trường Tộ, nhưng kỳ thật thì sự hiểu biết của chúng ta về nhân vật lịch sử này rất có giới hạn. Từ trước tới nay, nói chung chúng ta chỉ thường lặp đi lặp lại những kiến thức sơ sài, tản mạn về Nguyễn Trường Tộ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ không mấy ai có thể trình bày một cách có mạch lạc, hệ thống nội dung tư tưởng của nhân vật lỗi lạc này, hoặc giả phân tích và đánh giá vì sao tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ đi vượt tầm suy nghĩ của những trí thức Việt Nam lúc bấy giờ. Vì ta không biết học hỏi lỗi lầm của những người đi trước, thêm vào đó lại có khuynh hướng ưa trách người nhưng không chịu trách mình, cho nên ta thường chỉ biết oán trách vua quan triều Nguyễn đã thủ cựu, không tạo đất dụng võ để cho những nhân tài như Nguyễn Truờng Tộ phải bị mai một. Mặc dầu những lời phê phán này thường xác đáng, nhưng vô tình trong lúc đó trong thực tế, nhiều khi không ai khác hơn là chính ta, lại đang giẫm chân trên những lỗi lầm của những thế hệ trước. Bởi vậy, cái tên Nguyễn Trường Tộ không chỉ gợi cho ta niềm tự hào nhưng còn mang cái gì ấm ức, uất nghẹn của một giấc mộng mà cả dân tộc đã ấp ủ từ lâu nhưng vẫn chưa thành.
Để tiến đến một nhận thức khách quan và toàn diện hơn về Nguyễn Trường Tộ, dĩ nhiên chúng ta cần tiếp cận, phân tích, và đánh giá nhân vật lịch sử này qua nhiều góc độ. Trong bài này, từ góc độ của một người nghiên cứu về lịch sử tư tưởng và giao lưu văn hoá giữa Nhật với các nước Đông Nam Á và Tây phương vào nửa sau thế kỷ XIX, chúng tôi xin đóng góp ý kiến chủ yếu trên hai vấn đề mà các thức giả đã bàn luận từ trước đến nay : (1) “Nguyễn Trường Tộ học ở đâu?”, và (2) “Phải chăng Nguyễn Trường Tộ đã gặp Y-Đằng Bác-Văn?”. Trước hết, thiết tưởng chúng ta cần đi lược qua những nét chính trong tư tưởng Nguyễn Trường Tộ.
I.      NHỮNG NÉT CHÍNH VỀ NỘI DUNG TƯ TƯỞNG CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
Nguyễn Trường Tộ hồi nhỏ được thân phụ dạy chữ Hán ở nhà, sau đó theo học các cụ đồ nho ở vùng lân cận. Ông nổi tiếng thông minh phi thường nên thường được gọi là “trạng Tộ”. Mặc dầu không đi theo đường khoa bảng (vì là người Công giáo nên Nguyễn Trường Tộ không được đi thi), vốn liếng Hán học của ông có thể nói là chẳng thua kém gì các nhà khoa bảng trong triều đình lúc bấy giờ. Điều này được xác minh qua kiến thức uyên bác về những điển tích Đông phương và bút pháp Hán văn già giặn của ông trong những bản điều trần gởi cho triều đình.
Lên mười tám, muời chín tuổi, Nguyễn Trường Tộ bắt đầu thụ giáo những bài học vỡ lòng về Tây học, chủ yếu là tiếng Pháp và những kiến thức khoa học thường thức của Tây phương, từ các giáo sĩ thừa sai người Pháp. đặc biệt Giám mục Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu), người phụ trách giáo phận Xã Đoài từ năm 1846. Theo nhân định của ông Trương Bá Cần trong công trình nghiên cứu công phu Nguyễn Trường Tộ : Con người và di thảo, căn cứ trên những tài liệu hiện có chúng ta chỉ có thể biết chắc là Nguyễn Trường Tộ đã sang Pháp và các nước Âu châu vào năm 1867, còn trước đó thì hình như chỉ đi quanh quẩn ở Hương Cảng, Mã Lai, tức là những nơi có trụ sở của HộI Truyền giáo nước ngoài của Paris (Missions Etrangères de Paris).1 Tuy nhiên, những chuyến đi thăm viếng các nước Á châu láng giềng cũng đã giúp Nguyễn Trường Tộ bồi đắp thêm sở học của mình và mở rộng kiến văn về tình hình thế giới bên ngoài, như ông đã ghi lại trong ‘Bài trần tình” (đề ngày 13 tháng 5 năm 1863) gởi cho Trần Tiễn Thành: “Đến lúc lớn lên tôi chu du các nước, những điều mắt thấy tai nghe góp lại thành một sự ích dụng lớn”2
Sở học của Nguyễn Trường Tộ bao quát nhiều ngành, về khoa học kỹ thuật cũng như về các ngành nhân văn và khoa học xã hội. Điều này được chứng minh qua nội dung các bản điều trần mà Nguyễn Trường Tộ đã gởi cho triều đình. Tóm tắt về sở học của mình, Nguyễn Trường Tộ đã viết: “Về việc học, không môn nào tôi không để ý tới : cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp trong thiên hạ. Thường những người học được như vậy hay dùng đó để làm phương tiện cầu vinh, để tiến thân, còn tôi thì dùng để báo đáp lại cái mà trời đã cho tôi học được, chứ không mong kiếm chác một đồng tiền nào”.3
Trước hết, về khoa học kỹ thuật , là người chủ trương thực học, Nguyễn Trường Tộ chính là nhà kiến trúc sư phụ trách xây cất tu viện Dòng Thánh Phaolồ ở Sài Gòn (khởi công từ tháng 9 năm 1862 và hoàn thành vào tháng 7 năm 1864), một kiến trúc có tầm cỡ, và cũng là một biểu tượng của văn hoá Tây phương ở Sài Gòn mà ngay chính người Pháp lúc bấy giờ rất lấy làm hãnh diện. Một linh mục người Pháp, trong bức thư đăng trên tập san Missions Catholiques (Hội Truyền Giáo Công Giáo) vào năm 1876 đã viết về vai trò của Nguyễn Trường Tộ trong việc xây cất tu viện như sau: “Chính ông ta đã vẽ sơ đồ của tháp chuông và tự mình trông nom công việc một cách rất cẩn thận; chính ông đã hoàn thành nhiều phần khác của công trình. Mỗi ngày người ta thấy ông có mặt ở công trường và để ý tới từng chi tiết. Phải thú nhận là nếu không có ông thì không thể thực hiện một công trình như vậy vào một thời điểm mà ở Sài Gòn chưa có thợ cũng như chưa có nhà thầu…”4. Ngoài ra, Nguyễn trường Tộ cũng chính là người chỉ huy đào Thiết Cảng để làm Kênh Sắt (còn gọi là kênh Nguyễn Trường Tộ), nối liền sông Cấm, hay sông Cửa Lò, với sông Vinh. Tương truyền là từ xưa Cao Biền khi sang đô hộ nuớc ta và Hồ Quý Ly đời nhà Hồ đều có dự định đào kênh này nhưng cả hai không thực hiện được vì dưới đất có nhiều đá cuội. Khi được Tổng trấn Nghệ An lúc bấy giờ là Hoàng Tá Viêm mời ra giúp đào kênh, Nguyễn Trường Tộ đi xem xét một hồi rồi tìm ra cách giải quyết ngay. Ông nói là nếu ở Pháp thì người ta đã dùng cốt mìn để phá, còn như ở nước ta không có mìn, chỉ cần đào tránh khúc có nhiều đá lớn là xong5. Về máy móc, hình như Nguyễn Trường Tộ cũng biết khá nhiều, trong bản điều trần về việc mua và đóng thuyền máy, Nguyễn Trường Tộ khẳng định: “Theo tôi thiết nghĩ hiện nay người Nam ta biết qua các loại máy tàu và các lý thuyết điều chỉnh tu sửa, không ai hơn được tôi, từ nay về sau thế nào thì không dám nói”.6        
Về khoa học xã hội, Nguyễn Trường Tộ tỏ ra rất bén nhậy trên nhiều lãnh vực, ông có cái nhìn vừa bao quát, liên ngành, vừa thông suốt và tận gốc. Những bản điều trần của ông bao gồm nhiều lãnh vực: đại thế trong thiên hạ, kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh, cần nắm vững tình hình chính trị ở Pháp, canh tân và mở rộng, quan hệ ngoại giao, thực học, cải cách phong tục, tự do tôn giáo, sử dụng quốc âm, v.v…
Đọc những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ gởi cho triều đình Huế từ 1861 cho đến khi ông từ trần, chúng tôi không khỏi liên tưởng đến những đề án có tính cách khải mông của những học giả trong hội trí thức Meirokusha (Minh-Lục-Xã, tức là hội thành lập vào năm thứ sáu [1873] đời Minh Trị) đăng ở tập san Meiroku Zasshi (Minh -Lục Tạp-Chí). Thành viên của Meirokusha gồm có những trí thức lừng danh lúc bấy giờ như Fukuzawa Yukichi (Phúc-Trạch Dụ-Cát, 1835-1901; người sáng lập ra trường Keiô Gijuku và cũng là một nhân vật có ảnh hưởng vô cùng lớn rộng trong công cuộc đổi mới giáo dục và tư tưởng của người Nhật) cùng nhiều nhân vật khác, hầu hết là “cha đẻ” của nhiều ngành khác nhau như chính trị học, luật học, triết học, thống kê, canh nông,v.v… ở Nhật Bản thời Minh-trị. Họ bàn về những vấn đề bức thiết ở Nhật lúc bấy giờ như vai trò của trí thức trong công cuộc mở mang dân trí và canh tân đất nước, cần phải dựa vào công luận (thay vì chính quyền) để phát triển văn minh, cải cách tài chánh, cải cách giáo dục, tự do mậu dịch, tự do báo chí, tự do tôn giáo, khái luận về văn minh Tây phương, vấn đề sử dụng chữ hiragana, v.v…Điều khác nhau giữa Nhật và Việt Nam là lúc bấy giờ hội Meirokusha quy tụ có gần 30 trí thức (đó là chưa kể vô số học giả khác ở ngoài hội) được dân chúng và chính phủ nể vì, còn ở nước ta không những hầu như chỉ có một mình Nguyễn Trường Tộ, mà chính ông lại còn bị đình thần nghi ngờ và đố kỵ; bởi vậy những lời điều trần của ông chẳng khác gì một tiếng kêu tuyệt vọng trong sa mạc, không thay đổi được gì vận mệnh đất nước như ông hằng mong ước.
Một điểm khác biệt giữa Nguyễn Trường Tộ và các trí thức Việt Nam cùng thời là ông có thể nhìn, đánh giá, và tìm cách giải quyết một cách năng động hiểm hoạ mất nước của Việt Nam dựa trên những phân tích về tình hình thế giới, tình hình chính trị ở Pháp và các nước Tây phương khác, xác định đâu là “đại thế” và xu hướng văn minh trên thế giới lúc bấy giờ, để cuối cùng đưa ra chủ trương hoà hay chiến tuỳ theo điều kiện và thời điểm cụ thể. Trình bầy về quan điểm của Nguyễn Trường Tộ về phương sách cứu nguy cho Việt Nam lúc bấy giờ, ông Trương Bá Cần đã nhận xét: “Qua các di thảo của Nguyễn Trường Tộ, chúng ta thấy là ông không hề mơ hồ về ý đồ của thực dân Pháp đối với đất nước chúng ta…”, “âm mưu xâm lược của chúng đã có từ rất lâu, vì vậy chỉ có thể trên cơ sở đánh mạnh, khiến chúng phải khốn đốn, thì chúng mới chịu hoà, và trong điều kiện ấy, ta mới có thể hoà một cách có lợi… Đối với Nguyễn Trường Tộ vấn đề canh tân phát triển đất nước là vấn đề hàng đầu. Do đó Nguyễn Trường Tộ chủ trương mở rộng giao thương với các nước và tạm hoà với Pháp, tạm nhượng bộ Pháp”.7  
Chủ trương của Nguyễn Trường Tộ trên thực chất không khác chủ trương đối ngoại của Nhật Bản vào những năm cuối thời Tokugawa (Đức Xuyên) và đầu thời Minh Trị. Mặc dầu Nhật Bản đã phải ký kết các hiệp ước bất bình đẳng với các nước Tây phương dưới chính quyền Tokugawa, sau khi chính quyền này bị lật đổ những nhà lãnh đạo của chính phủ mới (Minh Trị) đã tạm thời nhượng bộ. Năm 1871, chính phủ Minh Trị cử một phái bộ cao cấp, đoàn viên có gần năm mươi người, gồm cả những người có trách nhiệm lớn nhất trong chính phủ lúc bấy giờ, do Iwakura Tomomi dẫn đầu với tư cách là Đại Sứ Đặc mệnh Toàn quyền sang thăm viếng 15 nước Âu Mỹ trong thời gian gần hai năm với mục đích chính là thương lượng nhằm sửa đổi các điều ước này. Tuy mục tiêu thương lượng hoàn toàn thất bại, phái bộ Iwakura qua lần công du nàycó dịp quan sát tận mắt tình hình của các nước trên thế giới, và khi trở về Nhật càng tập trung nỗ lực canh tân đất nước. Ta cũng nên để ý rằng , trên thực tế, phải đợi đến bốn mươi năm sau (1911) liệt cường mới hoàn toàn xoá bỏ các điều khoản bất lợi cho Nhật, và khi đó – hay nói đúng hơn, vì khi đó - Nhật Bản đã trở thành một cường quốc, về kinh tế cũng như về quân sự.
Nói tóm lại, lối nhìn của Nguyễn Trường Tộ khác hẳn với lối suy nghĩ thụ động, cứng cỏi, và rập khuôn của hầu hết sĩ phu trong nước lúc bấy giờ. Do ảnh hưởng của thế giới quan Nho giáo, họ cứ khư khư quan niệm, hoặc ý thức hoặc vô ý thức, rằng nước ta là trung tâm của vũ trụ, hay một “tiểu vũ trụ” (giống như người Trung Hoa quan niệm nước họ là trung tâm của thế giới, chỉ có điều nước ta nhỏ hơn nhiều, và họ là “Bắc triều” còn ta là “Nam triều”.), xem Trung Quốc (“Thiên triều”) là nước duy nhất có thể trông cậy để cứu ta ra khỏi hiểm hoạ mất nước.8  Họ quên rằng chính bản thân Trung Quốc lúc đó cũng đang bị liệt cường xâu xé, đâu còn sức nào để giúp đỡ cho Việt Nam.
II.       “NGUYỄN TRƯỜNG TỘ HỌC Ở ĐÂU?
Khi bàn đến nhân vật Nguyễn Trường Tộ, một trong những thắc mắc đối với chúng ta là tại sao trong khi sĩ phu Việt Nam lúc đó đang còn ngày đêm giùi mài cái học từ chương những mong đỗ đạt làm quan để đạt giấc mộng “vinh quy bái tổ”, “áo gấm về làng”, Nguyễn Trường Tộ lại có thể trau giồi cho mình một sở học uyên bác, thực tiễn, một tầm mắt xa rộng để nhận chânđược những hiểm hoạ đang đe doạ đất nước, cùng một óc phân tích chuẩn xác, sâu sắc hơn hẳn những trí thức cùng thời ?
Gần năm mươi năm trước đây, học giả Đào Duy Anh qua bài “Nguyễn Trường Tộ học ở đâu ?” trong các tập san Tri Tân (số 7; 18-7-1941) và Bulletin des Amis du Vieux Huế (Đô thành hiếu cổ; số 2 tháng 4-6, 1944) cũng đã đặt câu hỏi này và cung cấp nhiều ý kiến quý giá. Ông Đào Duy Anh là người đã được đọc nhiều tư liệu của gia đình Trần Tiễn Thành 9 – viên chức của triều đình Huế nhận nhiều văn thư của Nguyễn Trường Tộ - và cũng đã từng có đến sưu tập tài liệu tại nhà của con cháu Nguyễn Trường Tộ ở Bùi Chu. Ông Đào Duy Anh đã gợi ý  là cái sở học uyên bác của Nguyễn Trường Tộ không thể chỉ thu thập được lúc Nguyễn Trường Tộ ở Pháp vì khoảng thời gian này tương đối ngắn ngủi 10, do đó ông phỏng đoán là Nguyễn Trường Tộ đã có dịp đọc “nhiều tân thư của người Tàu nhất là những sách về khoa học và chính trị học” qua những chuyến du lịch ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Hương Cảng 11. Ông Trương Bá Cần cũng đã nhận xét là “để có các kiến thức chuyên môn, Nguyễn Trường Tộ đã phải tự học, nghĩa là phải đọc sách báo, phải biết quan sát để tiếp thu và vận dụng”, bởi lẽ “ về Tây học, thì ông quả có được các linh mục thừa sai và, đặc biệt, Giám mục Gauthier dạy cho tiếng Pháp và truyền đạt một số kiến thức khoa học, chỉ có thể là, rất phổ thông… vì các thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Nước ngoài (M.E.P.) tuyệt đại bộ phận chỉ học xong chương trình phổ thông, rồi vào các đại chủng viện học làm linh mục để được gởi đến các nước truyền đạo”.12 Tóm tắt về sở học của Nguyễn Trường Tộ, ông Trương Bá Cần viết: “…ngoài vốn liếng về Hán học, Nguyễn Trường Tộ đã sớm tiếp xúc với văn hoá Tây phương, trước tiên có thể là qua các giáo sĩ thừa sai người Pháp, chủ yếu là giám mục Gauthier. Nguyễn Trường Tộ cũng đã có dịp đi ra nước ngoài, nếu không qua các nước Tây Âu, thì cũng qua các nước Đông Nam Á, nơi đây ông đã được đọc sách báo của Tây phương, băng tiếng Pháp, tiếng Anh và nhất là đọc các sách báo Tây phương đã được dịch ra tiếng Trung Quốc. Theo ông Đào Duy Anh và những người đã tới tham khảo các tài liệu tại nhà của con cháu Nguyễn Trường Tộ ở làng Bùi Chu, thì trong tủ sách của Nguyễn Trường Tộ có rất nhiều quyển sách bằng chữ Hán thuộc loại Tân thư. Nhờ đó mà vào đầu năm 1861, Nguyễn Trường Tộ đã có một kiến thức khá rộn lớn về khoa học kỹ thuật cũng như về khoa học xã hội của Tây phương”.13 
Sau khi đọc xong các di thảo còn lại của Nguyễn Trường Tộ, người viết bài này đồng ý với những nhận xét trên của hai học giả Đào Duy Anh và Trương Bá Cần, và muốn đóng góp thêm một vài ý kiến liên quan đến vấn đề này.
(1) Về thế đứng của Nguyễn Trường Tộ:
Trước hết, hãy trở lại câu hỏi vì sao sở học của Nguyễn Trường Tộ khác xa lối học “bát cổ văn chương” (văn chương tám vế) của những sĩ phu cùng thời. Đã đành chúng ta đều biết ngay từ nhỏ Nguyễn trường Tộ đã nổi tiếng thông minh xuất chúng, nhưng ngoài cái “thiên bẩm” đó, chắc hẳn phải có những yếu tố khác không kém phần quan trọng. Việc Nguyễn trường Tộ có trau giồi Hán học nhưng không phải để lặn lội trong chốn quan trường, theo thiển ý của chúng tôi, cần phải được nhấn mạnh. Sự cấm đoán không cho Nguyễn Trường Tộ đi thi vô hình trung đã tạo cho ông một lợi thế không mấy ai có được lúc đó. Nhờ vậy, ông có thể suy nghĩ tự do phóng khoáng, vượt khuôn khổ của xã hội đương thời, không phải bị gò bó bởi những lối mòn trong lối học khoa cử từ chương bắt nguồn từ Trung Hoa từ hơn ngàn năm trước. Đây chính là một trong những điểm khác biệt quan trọng giữa Nguyễn Trường Tộ và những trí thức cùng thời. Chính nhờ lợi thế đó mà ông đã nhận thức được một cách sâu sắc lối học khoa cử là cái học rỗng tuếch (“hư học”) và chủ trương phải nhấn mạnh “thực học’, tức là nền học vấn thực tiễn không tách xa đời sống hàng ngày.
Nhìn sang các nước láng giềng, ta thấy các trí thức Nhật Bản đầu thời Minh Trị (mà Fukuzawa Yukichi là đại biểu) tuy có căn bản Hán học nhưng không suy nghĩ như những trí thức Trung Hoa và Việt Nam cùng thời vì họ không bị ràng buộc bởi lối học khoa cử, do đó bén nhạy và thích ứng hơn trong việc tiếp thu những kiến thức cận đại. Nói một cách tổng quát, với tư cách là một trí thức Công giáo và không học để đi thi, Nguyễn Trường Tộ đã có thế đứng rất đặc biệt trong khoảng thời gian từ 1850 cho đến khi tạ thế (1871), khác hẳn những sĩ phu cùng thời.
Cũng nên nói rằng Nguyễn Trường Tộ không phải là một trường hợp đơn độc trong lịch sử, bởi lẽ không phải riêng gì xã hội Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX mà trong bất cứ thời đại nào, hay ở các xã hội khác cũng vậy, những trí thức “đứng bên lề” (marginal) như Nguyễn Trường Tộ thường chính là những người nhận chân được những tệ hại trong xã hội của họ và có lối nhìn phê phán sâu sắc nhất. Tuy nhiên, không phải vì thế đứng bên lề đó mà Nguyễn Trường Tộ đã hờ hững với vận mệnh của đất nước. Trên thực tế, chúng ta đã thấy là ngược lại, vì ông đã ý thức sâu sắc mối hiểm hoạ của đất nước và cảm thấy mình có thể đóng góp vào phương sách cứu nguy cho đất nước, nên lòng yêu nước của ông lại càng biểu lộ đậm nét, cho dầu trong đó có cái gì xót xa, dằn vặt vì bị người đời và đình thần ganh ghét, nghi ngờ. Tâm sự đó đã được gởi gấm trong những vần thơ Nguyễn Trường Tộ gởi cho Phan Thanh Giản:
                      Dung chức tây thôn khởi vị bần,
                      Biệt gia cơ trữ nhận lai chân.
                      Đông lân cung cấm như tương vấn,
                      Tận bã kim châm tử tế trần.
                      Dệt mướn thôn Tây chẳng phải nghèo,
                      Khung cửi nhà ngươi sẵn đấy theo.
                      Gấm vóc cung Đông như hỏi đến,
                      Kim vàng trân trọng nắn đường thêu. 14
Hoặc:
                      Nhật ngự tuy vô hồi chiếu xứ,
                      Quỳ tâm nhưng vẫn hướng dương thầm.
                      Mặt trời cho dẫu không soi đến.
                      Hướng dương xin vẫn nép hoa quỳ. 15
(2) Vai trò của Tân thư trong việc mở rộng kiến thức Nguyễn Trường Tộ:
Tân thư là gì? Tân thư đi từ hai chữ Hán là hsin-shu   gọi nôm na là “sách mới”, từ trước đến bây giờ được người Việt ta dùng để chỉ những sách chữ Hán do các nhà cải lương Trung Hoa như Khang Hữu Vi (Kang Yu-wei) và Lương Khải Siêu (Liang Ch’I-ch’ao) trước tác và được đưa vào nước ta vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Những sĩ phu có tư tưởng duy tân sau Nguyễn Trường Tộ như Nguyễn Lộ Trạch, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tiểu La Nguyễn Thành, v.v…đều chịu ảnh hưởng không ít của những cuốn sách này. Tân thư nói rộng ra bao gồm cả những cuốn sách do người Trung Hoa trước tác hay dịch thuật từ sách báo Tây phương kể từ thập niên 1840, sau khi Trung Hoa bị Anh đánh bại trong chiến tranh Nha phiến và muốn tìm hiểu Tây phương để đáp ứng nhu cầu “biết thêm về đối phương”. Trong thời kỳ này cũng có một số sách Tân thư do các nhà truyền giáo Tin Lành trước tác bằng chữ Hán. Khi xuất bản những sách này , họ muốn chứng minh cho người Trung Hoa thấy rằng nếu các nước Tây phương có một nền văn minh tiên tiến như vậy thì tín ngưỡng của họ (đạo Ki Tô) ắt hẳn phải có gì đáng chú ý.16
Như đã nói ở trên, chúng tôi đồng ý với hai ông Đào Duy Anh và Trương Bá Cần là những “sách bằng chữ Hán thuộc loại Tân thư” đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng kiến thức cận đại của Nguyễn Trường Tộ. Ông Đào Duy Anh có cho biết là trong tủ sách của Nguyễn Trường Tộ có rất nhiều loại sách này, có điều là hình như không ai đã ghi lại tên những cuốn sách đó. Thật đáng tiếc thay, vì phải gì nếu chúng ta được biết đầy đủ hơn về những cuốn Tân thư cùng những loại sách khác trong tủ sách đó thì chúng ta đã có thể tra cứu để biết rõ hơn về quá trình cấu tạo tư tưởng khải mông của nhân vật lỗi lạc này !
Khi đọc lại các di thảo của Nguyễn Trường Tộ để mong tìm một vài tia sáng cho vấn đề này, tình cờ chúng tôi thấy Nguyễn trường Tộ có nhắc đến cuốn Doanh hoàn chí lược  (Ying-huan chih-lueh; có nghĩa là Khái lược về địa lý thế giới), mà may mắn từ trước đó chúng tôi đã được biết là một Tân thư rất nổi tiếng không chỉ ở Trung Hoa mà còn ở Nhật Bản trong khoảng hai thập niên 1850 và 1860. Để có một nhận thức về ý nghĩa của cuốn Doanh hoàn chí lược nói riêng và Tân thư nói chung đối với Nguyễn Trường Tộ, xin giới thiệu đôi hàng về những nhận xét sơ bộ của chúng tôi.
Trước hết, chúng ta hãy xem Nguyễn trường Tộ đã nhắc đến cuốn Doanh hoàn chí lược trong trường hợp như thế nào. Trong bản điều trần “Bàn về những thế lớn trong thiên hạ” (Thiên hạ đại thế luận) đề ngày 3-4-1863, ông viết : “Tôi thường nghiên cứu sự thế trong thiên hạ mà biết rằng hoà với Pháp là thượng sách. Hơn nữa ở Âu châu việc võ bị chỉ có nước Pháp là đứng hạng nhất, hùng mạnh nhất không thua ai cả. Họ lại có tính khẳng khái, hiếu chiến, với uy phong của một quân đội có xe sắt. Tuy dùng binh nhưng cũng biết trọng nghĩa giữ lời, không như các nước chỉ chuyên môn thủ lợi… Khi thắng trận thì cả nước hoan hô, dù tổn thất nghìn muôn người chẳng tiếc, chỉ sao cho uy danh hùng tráng, quốc thể được bảo toàn làm trọng. Các tướng thì gan dạ nhiều mưu trí, thạo binh pháp, thuỷ chiến, lục chiến đều rất giỏi. Thật đúng như sách DOANH HOÀN CHÍ LƯỢC đã chép vậy”.17  Sau đó, trong bài điều trần về “Tám điều cần làm gấp” (Tế cấp bát điều) đề ngày 15-11-1867, khi bàn đến sự cần thiết chỉnh đốn những vùng sát phía Tây của Việt Nam và khuyên triều đình nên cho các nhà truyền giáo đến giảng đạo và giúp đỡ dân chúng các vùng đó, Nghuyễn Trường Tộ viết: “Phương Tây xưa có nhiều giống dân hung dữ chưa khai hoá, như dân Bồn Man, Vạn Tượng ngày nay, phần nhiều đều nhờ các giáo sĩ mở mang giáo hoá mà về sau dần dần trở nên thịnh lợi. Chuyện ấy sử sách các nước phương Tây còn ghi và sách Doanh hoàn chí lược cũng nói đến chứ không phải tôi bịa ra hùa theo nói tốt cho họ đâu.”18
Trong hai đoạn trích trên, Nguyễn Trường Tộ đã nhắc đến Doanh hoàn chí lược khi bàn đến một dân tộc tính, hay tâm lý, người Pháp (trích dẫn đầu) và tình hình ở Lào (trích dẫn hai). Dĩ nhiên Nguyễn Trường Tộ đã trích dẫn để nói lên tính khách quan trong luận điểm của ông, nhưng mặt khác, qua sự trích dẫn này chúng ta cũng thấy phần nào ý nghĩa của Tân thư trong quá trìng tìm hiểu tình hình trên thế giới lúc bấy giờ của Nguyễn Trường Tộ (vào thời điểm này có lẽ Nguyễn Trường Tộ chưa đi Pháp, và các nước Âu châu, nên những “sử sách các nước Tây phương” mà ông nói ở trên có lẽ là những sách đã dịch ra hoặc giới thiệu bằng chữ Hán). Bây giờ chúng ta hãy thử xem cuốn Doanh hoàn chí lược mà Nguyễn Trường Tộ  đã trích dẫn ở đây là cuốn sách gì, và đã có ảnh hưởng như thế nào ở Trung Hoa và Nhật Bản?
Doanh hoàn chí lược do Từ-Kế-Dư ( Hsu Chi-yu; 1795-1873) biên soạn dưới triều vua Đạo-Quang (Tao-kuang) nhà Thanh, vào những năm 1843-1848 khi từ được bổ nhiệm về tỉnh Phúc Kiến, lúc đầu để trông coi việc buôn bán với các nước Tây phương, và sau đó với tư cách là Tuần Vũ. 19 Từ sinh ở Sơn Tây trong một gia đình khoa bảng, ông đỗ cử nhân năm 1813 nhưng phải đến mười ba năm sau mới đỗ tiến sĩ. Sau đó, Từ được bổ làm án sát tỉnh Thiểm Tây (1836) và nổi tiếng là một quan viên có khả năng giải quyết những vấn đề hóc búa. Vua Đạo Quang nghe tiếng, triệu Từ về kinh để hỏi về những phương sách chấn hưng Trung Hoa. Tương truyền khi nghe Từ trình bày, nhà vua xúc động đến rơi nước mắt. Một năm sau khi hoà ước Nam Kinh (1842) được ký kết. Từ được bổ về Phúc Kiến, và theo lệnh vua, bắt đầu tìm hiểu về tình hình nước ngoài.
Ở Phúc Kiến, Từ thường có dịp tiếp xúc với các viên chức Tây phương ở Hạ Môn (Amoy) và Phúc Châu (Foochow), trong đó có Đại uý Henry Gribble, lãnh sự Anh đầu tiên ở Hạ Môn và thông dịch của ông là David Abeel (tên chữ Hán là Nhã-Bì-Lý; 1804-1846), một giáo sĩ người Hoa Kỳ, cùng những nhân viên ngoại giao người Anh khác như George Tradescent Lay và Rutherford Alcock. Sau khi được Abeel cho xem tập bản đồ thế giới, Từ-Kế-Dư bắt đầu tập trung sưu tập những bản đồ xuất bản ở các nước Tây phương, biên soạn thêm lời chú giải dựa trên những tư liệu về tình hình kinh tế và chính trị Tây phương để hoàn thành cuốn sách này. Như đã đề cập ở trên, các giáo sĩ Tin Lành ở Trung Hoa lúc bấy giờ đang đẩy mạnh kế hoạch truyền giáo và xuất bản nhiều sách để giới thiệu văn minh Tây phương bằng chữ Hán. Đây là nguồn tài liệu chính yếu để Từ tìm hiểu về thế giới bên ngoài. Trong số những tài liệu này, đặc biệt quan trọng là cuốn Universal Geography (Địa lý thế giới) viết bằng chữ Hán của Karl Gutzlaff (1803-1851), một giáo sĩ gốc người Phồ thuộc giáo hội Hà Lan. Trong khi biên soạn, Từ đã kiểm chứng những kiến thức của ông về tình hình thế giới bên ngoài với những người Tây phương mà ông có dịp tiếp xúc.
Từ biên soạn xong cuốn Doanh hoàn chí lược vào khoảng cuối tháng tám hay tháng chín năm 1848, nhưng hình như đến cuối hè năm sau sách mới được xuất bản. Nhờ lối làm việc nghiêm túc dựa trên quan điểm khảo chứng của Từ-Kế-Dư, cuốn Doanh hoàn chí lược đã chiếm địa vị là một trong những tài liệu chính yếu về thế giới bên ngoài trong hàng suốt chục năm sau đó ở Trung Hoa. 20
Cũng nên nói thêm rằng Khang-Hữu-Vi, nhà cải lương Trung Quốc nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, bắt đầu đọc Doanh hoàn chí lược vào năm mười bẩy tuổi, và đối với Khang, sách này là một trong những cuốn “sách gối đầu giường” về tình hình các nước Tây phương.21
Bộ Doanh hoàn chí lược xuất bản năm 1849 gồm 10 quyển, có gần 145.000 chữ và 42 bản đồ. Trong sách, Từ không những nói về địa lý, mà còn bàn về bản đồ chính trị thế giới vào thế kỷ XIX, hiện tình các nước, và giải thích các vấn đề nóng hổi lúc bấy giờ như sự bành trướng của các nước Tây phương sang Á châu và ảnh hưởng của nó đối với Trung Hoa và các nước triều cống xung quanh.22 Đoạn bàn về Việt Nam chiếm một phần khá lớn của quyển 1, tóm tắt sơ lược lịch sử, văn hoá, và phong tục Việt Nam từ thời Bắc thuộc cho đến thời cận đại.
Ngoài Doanh hoàn chí lược còn có một tân thư quan trọng khác là cuốn Hải quốc đồ chí (Hai-kuo t’u-chih; 1841) của Ngụy Nguyên (Wei Yuan; 1794-1856). Hai cuốn này được truyền sang Nhật và in lại vào cuối đời Tokugawa23 (Doanh hoàn chí lược được in lại ở Nhật năm 1861). Đối với các chí sĩ (shishi) lúc bấy giờ đang bôn ba hoạt động để tìm phương cách cứu nguy cho Nhật Bản, chính nhờ hai cuốn sách này mà hay bíết được tình hình bên ngoài trong lúc Nhật vẫn còn thi hành chính sách bế quan toả cảng. Sau đó người Nhật tự mình đi học hỏi, điều tra các nước bên ngoài để ngày càng cập nhật hoá kiến thức của họ về thế giới nên đã bỏ xa Trung Quốc. Có điều đáng để ý là vào năm 1874, khi kiến thức nước ngoài ở Nhật nói chung đã vượt hẳn Trung Quốc, vẫn có người dịch lại cuốn Doanh hoàn chí lược sang tiếng Nhật để làm tài liệu tham khảo. Tên sách dịch sang tiếng Nhật này được đổi là Eikan shiryaku (Doanh hoàn sử lược, tên sách ở trang đầu vẫn giữ nguyên là Doanh hoàn chí lược) và có thêm phụ đề là Zokkai eiri; tức là “tục giải” (giải thích theo ngôn ngữ thông thường để ai cũng có thể lãnh hội) và có thêm minh hoạ.24
Tuy chúng ta không thấy Nguyễn Trường Tộ trực tiếp nhắc đến tên sách Hải quốc đồ chí
Trong các di thảo, nhưng vì (1) ý nghĩa quan trọng của sách này (tương đương với Doanh hoàn chí lược) so với các tân thư lúc bấy giờ, và (2) trong di thảo của Nguyễn Trường Tộ có dấu vết của các luận điểm đề ra trong sách này, có khả năng là Nguyễn Trường Tộ  đã có dịp đọc sách Hải quốc đồ chí. Điều đáng tiếc là vì tài liệu về Nguyễn Trường Tộ bị thất lạc quá nhiều nên chúng ta không có phương tiện để xác minh là giả thuyết này có đúng hay không. Nhưng, dầu sao đi nữa, để có một khái niệm tổng quát về vai trò của Tân thư ở Trung Hoa và ở Nhật – và dựa trên đó ta có thể đi đến một nhận định khách quan hơn về vị trí đặc thù của Nguyễn Trường Tộ trong giới trí thức Việt Nam trong hai thập niên 1850 và 1860 – ta cần biết sơ lược về cuốn Hải quốc đồ chí.
Ngụy Nguyên, tác giả của Hải quốc đồ chí, là bạn thân của Lâm-Tắc -Từ (Lin Tse-hsu; 1785-1850), người thay mặt triều đình nhà Thanh để giải quyết vấn đề Công ty  Đông Ấn-Độ của người Anh nhập cảng thuốc phiện vào Trung Hoa. Chính Lâm đã uỷ thác cho Ngụy soạn cuốn sách này. Sách Hải quốc đồ chí xuất bản lần đầu (1842) có 50 quyển, khi in lại năm 1847 được bổ sung thành 60 quyển, và có 100 quyển khi tái bản lần thứ ba vào năm 1852. Sách có khoảng 88 vạn chữ, 75 bản đồ, và 42 trang về biểu đồ của các pháo thuyền Tây phương. Hải quốc đồ chí không chỉ cung cấp những kiến thức khách quan mà còn đề xuất những biện pháp chiến lược để đối phó với sự bành trướng như tằm ăn dâu của Tây phương. Ngụy Nguyên chủ trương “dĩ di công di” (dùng Tây phương đánh Tây phương), “dĩ di khoán di” (dùng Tây phương để lung lạc Tây phương), và “sư di chi trường kỹ dĩ chế di” (học lấy cái sở trường của Tây phương để chận đứng xâm lược Tây phương).25 Sự thay đổi lập trường của Nhật từ jôi (nhương di: chống đối Tây phương bằng vũ lực) sang kaikoku (khai quốc: mở cửa để giao thương) và cuối cùng là “học hỏi Tây phương, bắt kịp Tây phương, đi vượt Tây phương” trong những năm cuối đời Tokugawa và đầu thời Minh Trị trùng hợp với chủ trương của Ngụy Nguyên. Dĩ nhiên, cùng xuất phát từ một nhận thức tương tự với Ngụy Nguyên mà Nguyễn Trường Tộ đã điều trần về sự cần thiết của việc tiếp thu văn minh tiên tiến của Tây phương để cứu cho Việt Nam khỏi nạn mất nước, hoặc bàn về phương sách khống chế người Pháp bằng cách “nhờ kẻ khác để ngăn chận họ”, “nhờ kẻ khác để ly gián họ’, “nhờ nước khác lấy danh nghĩa mà áp chế họ”, “dùng người khác để đánh họ”, hoặc “nhờ các nước để đề phòng các nước” trong điều trần về “Lục lợi từ” (khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 năm 1864) và trong nhiều điều trần khác.26
Khi mới xuất bản, Hải quốc đồ chí được sự chú ý của một số trí thức Trung Hoa, nhưng sau đó sách bị tuyệt bản và khi Binh bộ thị lang của nhà Thanh là Vương Mậu Ấm (Wang Mu-yin) dâng tấu xin tái bản sách để các thân vương và đại thần mỗi nhà đều có một cuốn, và dùng sách này làm tài liệu để dạy cho quân đội, thì đề nghị này bị bỏ qua. Ở Trung Hoa, không những các biện pháp do Ngụy nguyên đề ra không được thực hiện, mà ngay bản thân Ngụy Nguyên cũng không được trọng dụng. Ngụy chỉ làm đến chức Tri huyện; sau khi triều đình bị Thái bình Thiên quốc uy hiếp ông mới được thăng lên chức Tri châu, và cuối cùng chết trong hiu quạnh. Trong khi đó ở Nhật, giống như Doanh hoàn chí lược, Hải quốc đồ chí có ảnh hưởng sâu rộng và thực tiễn đối với giới trí thức trong và ngoài chính quyền. Ấn bản Hải quốc đồ chí in lần thứ hai (60 quyển, 1847) được truyền sang Nhật 3 bộ năm 1851 và 2 bộ năm 1852; ấn bản in lần thứ ba (100 quyển, 1852) được truyền sang Nhật 15 bộ vào năm 1854, trong đó 7 bộ được chính quyền Bakufu trưng dụng, và 8 bộ được đem bán trên thị trường. Kawaji Toshiakira, viên chức phụ trách tài chính và hải phòng27 của chính quyền Bakufu đã ủy thác cho Shioya Tôin chọn lọc những phần quan trọng để in lại. Bản in lại ở Nhật được xuất bản năm 1855, trong đó các địa danh, tên các loại thảo mộc, v.v… được học giả Mitsukuri Gempo chú thêm tên gọi theo các tiếng Tây phương. Chỉ trong vòng ba năm từ 1854 đến 1856 ở Nhật có tất cả đến 21 ấn bản khác nhau về Hải quốc đồ chí,28 qua đó chúng ta thấy sự quan tâm về tình hình thế giới và phản ứng thức thời, nhanh chóng của người Nhật để cứu nguy cho đất nước của họ.
Năm 1862, khi  Takasugi Shinkaku (Cao-Sâm Tấn-Tác; 1839-67) – môn đệ của Yoshida Shôin (Cát-điền Tùng-lâm; 1830-59), người đi tiên phong và biểu tượng của phong trào chống Bakufu để tiến đến Minh Trị Duy Tân – bí mật sang Thượng Hải để điều tra tận mắt về tình hình Trung Hoa, hình như ông ta phải vất vả lắm mới tìm ra được một bộ Hải quốc đồ chí. Sau một thời gian ở Thượng Hải và có dịp đàm luận (bút đàm) với trí thức Trung Hoa, Takasugi cho rằng việc người Trung Hoa đã để một cuốn sách do chính người nước họ trước tác có giá trị thực tiễn chiến lược như cuốn Hải quốc đồ chí tuyệt bản mà không chịu in lại là một trong ba lý do khiến Trung Hoa suy yếu. Hai lý do khác mà Takasugi đã nêu ra là: (1) trước nạn Tây xâm, thái độ của người Trung Hoa có vẻ hững hờ, mặc kệ, không mấy ai suy nghĩ đến phương cách ngăn chặn hiểm họa đó; và (2) người Trung Hoa không biết trang bị súng thần công có tầm bắn xa để ngăn chặn tàu bè Tây phương.29
Sự phổ biến Tân thư ở Việt Nam hình như còn giới hạn hơn ở Trung Hoa. Nhưng đối với những sĩ phu Việt Nam có dịp đọc Tân thư (dĩ nhiên chỉ một thiểu số ), thì phải nói ảnh hưởng của Tân thư rất sâu rộng. Điều đó được xác minh qua chứng từ của cụ Phan Bội Châu trong hai tự truyện của cụ. Ngay cả những di thảo của Nguyễn Trường Tộ, trước đây, số người được đọc rất giới hạn, nhưng đối với ai là người tâm huyết mà có đọc được thì những di thảo này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự chuyển biến tư tưởng của họ. Chúng tôi muốn nói đến trường hợp của Nguyễn Lộ Trạch, tác giả của Thiên hạ đại thế luận, một tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng đối với phong trào Đông du và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục vào đầu thế kỷ XX. Nguyễn Lộ Trạch có lẽ là một trong số trí thức hiếm hoi có “diễm phúc” đọc các di thảo của Nguyễn Trường Tộ. Lý do khá đơn giản : ông là con rể của Trần Tiễn Thành. Chúng tôi đề cập đến điểm này để muốn nói rằng những hạn chế trong sự phổ biến những kiến thức mới về thế giới bên ngoài là một trong những nguyên nhân chính yếu ngăn chặn sự phát triển dân trí và đà tiến hoá của nước ta.
Xuyên qua sự so sánh về tình hình phổ biến Tân thư ở Trung Hoa và Nhật Bản, chúng ta có thể nhận thức được một khía cạnh quan trọng trong sự khác biệt giữa phản ứng của hai nước đối với những thách thức của Tây phương, và qua nhận thức đó ta thấy được vì sao Nguyễn Trường Tộ - có lẽ là trí thức Việt Nam duy nhất có cơ hội đọc nhiều Tân thư nhất lúc đó – có trình độ hiểu biết đi vượt những trí thức cùng thời. Ảnh hưởng của Tân thư đối với việc mở rộng kiến thức của Nguyễn Trường Tộ dĩ nhiên không chỉ giới hạn trong cuốn Doanh hoàn chí lược mà chúng ta có thể kiểm chứng hoặc một hai cuốn khác mà còn sâu rộng hơn nữa. Một bằng chứng cụ thể là khi bàn đến ngày tháng của một vài sự kiện lịch sử Tây phương, Nguyễn Trường Tộ đã ghi theo lịch Tàu - chắc hẳn vì ông đã dựa theo sách Tân thư - mặc dầu chúng ta biết ông là người yêu nước có ý thức cao và tinh tế về sự khác biệt giữa nước ta và Trung Hoa. Ví dụ, trong bài tựa sách Đàm thiên luận (Bàn về thiên văn), khi nhắc đến việc Newton tìm ra sức hút của quả đất, ông viết: “Năm Khang Hi thứ 5, Nại Đoan (Newton) ngẫu nhiên ở trong vườn thấy một trái cây rơi xuống đất…”.30 Thật ra những danh từ riêng dùng gọi tên người (như Nại Đoan) và địa danh ngoại quốc (như Lữ Tống  : Luzon hay Trảo Oa : Java) bằng chữ Hán mà ta bắt gặp rất nhiều trong toàn bộ văn bản của Nguyễn Trường Tộ chắc chắn phải dựa trên cách gọi trong sách chữ Hán của người Trung Hoa (trong trường hợp này là Tân thư) chứ không phải do Nguyễn Trường Tộ tự ý đặt ra. Nói một cách khác, dù cho Nguyễn Trường Tộ có đọc nguyên bản bằng tiếng Tây phương đi nữa, chắc chắn ông cũng đã phối kiểm các thuật ngữ và danh từ riêng qua Tân thư để có thể viết lại bằng các văn bản chữ Hán.
Nhân tiện xin bàn thêm đôi chút về cuốn Đàm thiên luận. Người viết bài này chưa đựoc xem nguyên bản Đàm thiên luận do Nguyễn Trường Tộ viết, nhưng được biết rằng trong những Tân thư của Trung Quốc cũng có cuốn Đàm thiên luận (Tan t’ien lun) xuất bản vào năm 1859 (xem hình đăng kèm). Cuốn này là bản dịch ra chữ Hán - dịch giả là Alexanser Wylie và Lý Thiện Lan - của cuốn Outline of Astronomy (Khái lược về thiên văn) của một học giả người Anh tên là Sir John F. W. Herschel (xuất bản lần đầu tiên năm 1848). Tan t’ien lun có 18 quyển do Thượng Hải Mặc Hải Thư Quán xuất bản.31 Rất có khả năng là Nguyễn Trường Tộ đã tham khảo Tan t’ien lun khi viết Đàm thiên luận.
III.      PHẢI CHĂNG NGUYỄN TRƯỜNG TỘ ĐÃ GẶP Y-ĐẰNG BÁC-VĂN?
Từ trước đến nay có nhiều ý kiến về vấn đề so sánh điều kiện nước ta thời Tự Đức với Nhật Bản thời Minh Trị. Gần đây, trong Nguyễn Trường Tộ : Con người và di thảo, ông Trương Bá Cần cũng có đề cập tới vấn đền này và đưa ra những ý kiến khác biệt giữa hai nước nói chung là xác đáng. Sau đó ông bàn đến sự quan tâm của Nguyễn Trường Tộ đối với Nhật Bản thể hiện qua các văn bản của ông, và nhắc đến giả thuyết là Nguyễn Trường Tộ có gặp Itô Hirobumi (Y-Đằng Bác-Văn; 1841-1909), một giả thuyết đã được các ông Đào Duy Anh và Đào Đăng Vỹ đề ra từ lâu.32 Cuối cùng ông Trương Bá Cần đặt câu hỏi là trong phái đoàn Nhật Bản ở Paris mà Nguyễn Trường Tộ nhắc đến trong “Tế cấp bát điều” không biết có Itô Hirobumi hay không? (Bản điều trần này đề ngày 15-11-1867, trong đó Nguyễn Trường Tộ viết “hiện có 1 hoàng tử và 35 người cùng đi với một linh mục mới đến Ba-Lê và đã thiết lập ở đó một đại học xá để phái người sang học).33 Chúng tôi xin đóng góp vài ý kiến để làm sáng tỏ vấn đề này.
Trước hết người viết đồng ý với ông Trương Bá Cần là Nguyễn Trường Tộ tỏ ra rất quan tâm về Nhật Bản. Trong các di thảo, Nguyễn Trường Tộ thường đề cập đến những diễn tiến liên hệ đến Nhật có lẽ muốn dùng những biện pháp thức thời của người Nhật để chứng minh là chính sách của triều đình nhà Nguyễn quá lỗi thời. Tuy nhiên chúng ta có thể khẳng định là trong phái đoàn Nhật đến Paris năm 1867 không có Itô Hirobumi bởi lẽ đây là phái đoàn của Bakufu (tức là chính quyền Shôgun : Tướng quân), mà Itô lại là người của phái đối nghịch.34
Phái đoàn Bakufu đến Pháp thể theo lời mời dự Hội Chợ Quốc Tế (Exposition universelle) năm 1867 ở Paris của hoàng đế Napoléon III qua công sứ Léon Roches ở Nhật . Như đã đề cập ở phần trên, lúc này Pháp đang ủng hộ  Bakufu và Anh đang giúp đỡ phái Satsuma – Chôshu. Roches trình bày với Shôgun Tokugawa Yoshinobu (Đức-Xuyên Khánh-Hỷ) là “nhân dịp Hội chợ Quốc Tế Shôgun nên cử người thân thích sang Pháp để tỏ tình thân thiện ngoại giao”. Shôgun đồng ý, cử bào đệ của mình là Akitake (Chiêu-Vũ) làm trưởng phái đoàn. Akitake lúc bấy giờ mới 15 tuổi, đang giữ chúc Mimbu Tayu (Dân-bộ Đại-thừa), được Shôgun phong thêm chức juyon’I Sashôgun (Tùng-tứ-vị Tả-tướng-quân), để có thể được đối xử ngang hàng với các hoàng thất nước ngoài khi giao thiệp với họ ở Pháp. Khi phái đoàn Bakufu do Akitake dẫn đầu sang đến Pháp, báo chí Pháp nhắc nhở đến rất nhiều và tỏ ra rất có thiện cảm với chính phủ mà vị “hoàng thân” trẻ tuổi này đại diện. Chính quyền Bakufu không những gởi phái đoàn tham dự mà còn có gian hàng triển lãm (nói chung là đồ mỹ nghệ) trong Hội chợ Quốc tế 1867 ở Paris. Satsuma dẫn đầu phái đoàn đối lập cũng không chịu kém, thương lượng với Pháp để mở một gian hàng biệt lập “giống như một nước độc lập”.35
Nói tóm lại, vị hoàng thân mà Nguyễn Trường Tộ nhắc đến trong di thảo chính là Akitake, thân đệ của Shôgun Tokugawa Yoshinobu, và trong phái đoàn này mặc dầu có những nhân vật rất nổi tiếng sau này như Shibusawa Eiichi (Thiệp-Trạch Vinh-Nhất; 1840-1931),36 Itô Hirobumi không tham dự phái đoàn này. Itô lúc này đang bận rộn trong phong trào phò Thiên hoàng để lật đổ Bakufu. Ngoài ra, “Đại học xá” mà Nguyễn Trường Tộ đề cập đến chắc hẳn là Nhà Satsuma, do Satsuma chứ không phải do Bakufu thiết lập, hiện nay vẫn còn ở trong khu đại học xá Cité universitaire ở Paris.
Cần để ý là vào khoảng thời gian phái đoàn Nhật Bản đến Paris, Nguyễn Trường Tộ cũng có mặt ở Pháp: ông đến Pháp với linh mục Gauthier vào cuối tháng 3, 1867 và đã rời Pháp để trở về Việt Nam vào cuối tháng 11, 1867. Thời gian này chính là thời gian Hội chợ Quốc Tế 1867 đang khai trương ở Paris. Tuần báo Semaine Religieuse de Paris (Tuần san tôn giáo địa phận Paris) ấn hành ngày 27-7-1867 có ghi lại : “Giám mục Guathier ở Paris. Trong lúc lưu lại Paris, giám mục cần thu thập các điều cần thiết cho việc phát triển nông nghiệp và công nghiệp của vương quốc An-Nam và người ta quả quyết giám mục đã đặt mua ở hội chợ hơn 100.000 francs hàng hoá vào mục đích này… trong số những người phương Đông đi theo giám mục có một kiến trúc sư công giáo với một trí nhớ phi thường. Chính con người có tài năng xuất chúng này đã xây dựng nhà thờ Chính toà của chúng ta ở Sài Gòn”.37 Người “Kiến trúc sư” nhắc đến ở đây dĩ nhiên không ai khác hơn là Nguyễn Trường Tộ. Mặc dầu từ trước đến nay không có tài liệu nào nói rõ về ý nghĩa thời điểm của chuyến đi Pháp của Nguyễn Trường Tộ và giám mục Gauthier, dựa trên những chi tiết nêu ra trên đây chúng ta có thể phỏng đoán là không phải tình cờ mà thời gian ở lại Pháp của hai người đã trùng hợp với lúc Hội chợ Quốc tế 1867 đang khai trương ở Paris. Nói một cách khác , chắc hẳn Nguyễn Trường Tộ và giám mục Gauthier đã giàn xếp lộ trình để có mặt ở Paris trong thời gian đó nhằm để quan sát tận mắt những máy móc về nông nghiệp và kỹ nghệ của các nước trưng bầy trong Hội chợ, đồng thời có thể đặt mua những dụng cụ về xây dựng trường kỹ thuật ở Huế trong một môi trường thích hợp và có hiệu năng cao nhất.
Bây giờ trở lại vấn đề “phải chăng NguyễnTrường Tộ đã gặp Itô Hirobumi ?”. Chúng ta hãy xem có khả năng đó không. Nếu hai người có gặp nhau thật, thì phải lúc Itô đang ở trên đường sang Âu châu hoặc từ Âu châu trở về Nhật, và địa điểm gặp phải là Hương Cảng hoặc Mã Lai, hai nơi mà Nguyễn Trường Tộ cũng có đến. Nguyễn Trường Tộ không thể gặp Itô trong lần đi công cán ở Pháp năm 1867 được, vì như ta đã thấy lúc đó phong trào phò Thiên Hoàng để chống Bakufu của Satsuma – Chôshu đang bước vào giai đoạn cuối cùng và Itô là một nhân vật quan trọng của phong trào đó nên không thể nào rời Nhật, và trên thực tế chúng ta biết chắc chắn là ông đã có mặt ở Nhật lúc đó. Hơn nữa, trong khoảng thời gian Nguyễn Trường Tộ còn sống (tức là cho đến ngày 10-10-1871), Itô đi ra nước ngoài chỉ có một lần : đó là khi ông được Chôshu bí mật38 gởi sang Anh du học trong khoảng hai năm 1863-1864. Hè 1864, khi nghe tin hạm đội liên hợp của các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ, và Hà Lan pháo kích Chôshu, Itô vội vã bỏ học để từ Anh trở về Chôshu.39 Về phần Nguyễn Trường Tộ, từ tháng 9-1862 cho đến tháng 7-1864, ông ở Sàigòn chủ yếu để trông xem công việc xây cất tu viện Dòng thánh Phaolồ. Vì ông vùa là “kiến trúc sư” vừa là người quản đốc việc xây dựng, trong suốt thời gian xây cất, Nguyễn Trường Tộ dĩ nhiên phải có mặt tại chỗ, cho nên nếu ông có gặp Itô đi chăng nữa, thì thời điểm phải là sau khi việc xây cất đã hoàn thành, Nghĩa là sau tháng 7-1864, tức là khi Itô ở trên đường từ Âu châu về Nhật. Nhưng lúc đó thì Nguyễn Trường Tộ lại bị bệnh tê thấp, phải nằm điều dưỡng ở Gia Định. Trong thư gởi Trần Tiễn Thành (không đề ngày tháng …theo ông Trương Bá Cần thì vào khoảng cuối năm 1864 - đầu năm 1865). Nguyễn Trường Tộ viết :”Nhân vì chân tôi bị tê bại sắp thành phế nhân, nằm ngửa ra mà viết, tinh thần buồn bực rối loạn, tự biết nói năng không thứ tự…”.40 Trong hoàn cảnh như vậy khả năng Nguyễn Trường Tộ rời Việt Nam để đi chu du Hương Cảng hoặc Mã Lai - để rồi tình cờ gặp Itô Hirobumi trên đường từ Anh về Nhật- phải nói là hầu như không có. Huống nữa, thư Nguyễn Trường Tộ gởi Trần Tiễn Thành đề ngày 19-3-1866 cũng đã xác nhận là bệnh tê thấp của ông đã bắt đầu ngay từ khi công việc xây cất chưa xong (hoặc vừa xong) :”Tôi trước đây bị ốm nằm ở Gia Định, điều dưỡng đã gần hai năm nay, nay mười phần đã giảm năm ,sáu”.41
Để tóm lại, chúng ta có thể nói rằng ba yếu tố quan trọng đưa đến sự khác biệt về sở học của Nguyễn Trường Tộ so với các trí thức cùng thời: (1) Nguyễn Trường Tộ tuy có trau giồi Hán học nhưng không phải để lặn lội trong đường cử nghiệp nên ông có tư duy bén nhạy, năng động và thực tiễn, không bị gò bó bởi lối suy nghĩ thụ động, cứng cỏi và rập khuôn của đa số sĩ phu cùng thời chỉ biết theo đòi nghiên bút để những mong thi đỗ làm quan ; (2) ông từng chu du nhiều nơi nên có dịp kiểm chứng những kiến thức thu thập qua sách vở với những điều mắt thấy tai nghe, biết đích thực đâu là đại thế và xu hướng văn minh trên thế giới lúc bấy giờ, nên đã ý thức sâu sắc về hiểm hoạ mất nước nếu nước nhà không sớm canh tân; (3) ông có lẽ là người Việt Nam đầu tiên có may mắn đọc được nhiều Tân thư (do người Trung Hoa và các giáo sĩ Tây phương trước tác bằng chữ Hán) chúa đựng nhiều kiến thức mới mẻ về khoa học kỹ thuật cận đại và tình hình thế giới bên ngoài lúc bấy giờ.
Chúng ta đã chứng minh rằng trái với giả thuyết mà một số nhà nghiên cứu đã đề ra từ trước tới nay, Nguyễn Trường Tộ trên thực tế đã không gặp Itô Hirobumi. Chúng ta cũng đã đề cập nhiều lần đến những điểm tương đồng giữa Nguyễn Trường Tộ và các trí thức cùng thời ở Nhật, đặc biệt qua các chủ trương chú trọng thực học, đả phá hư học, không ngần ngại học hỏi đối phương để tăng cường sức mình và từng bước lấn áp đối phương. Khi học hỏi nước ngoài, Nguyễn Trường Tộ khẳng định rằng ta nên có thái độ chủ động, mời người nước ngoài vào dạy : ta là chủ họ là khách.42 Người Nhật tiếp thu văn hoá Tây phương trên căn bản cũng dựa trên chủ trương đó. Vì họ biết chủ động gởi sinh viên đi du học nước ngoài và mời người nước ngoài vào dạy dỗ, nên họ không có mặc cảm họ là “nạn nhân” của văn hoá hấp thụ từ nước ngoài, một hiện tượng thường thấy ở “các nước trong thế giới thứ ba” ngày nay, do mặc cảm “bị ép đặt” phải hấp thụ văn hoá Tây phương. Khi đứng trong tư thế của người chủ, dầu phải hy sinh, sự hy sinh đó dầu đau đớn  nhưng có thể chịu đựng được ; ngược lại, nếu đứng trong tư thế bị ép đặt, con người sẽ nghĩ mình là tôi tớ, và cho dù được người nước ngoài đến dạy không lấy công hay được họ “cho quà” đi nữa, người ta vẫn cảm thấy mất mát, thậm chí nhục nhã. Người Nhật đã làm nhiều việc khiến thế giới phải khâm phục vì họ biết chủ động. Ví dụ, để xây dựng một nền công nghiệp cận đại, chính phủ Minh Trị trong những năm đầu đã không ngần ngại thuê gần 140 chuyên viên ngoại quốc qua làm trong Bộ Công nghiệp; lương của những chuyên viên này chiếm đến một phần ba ngân sách của Bộ. Điều này nói lên quyết tâm của chính phủ Minh Trị trong việc tiếp thu văn minh tiên tiến của nước ngoài. Cần để ý là mười năm sau đó, chuyên viên người Nhật đã học được nghề và có thể thay thế các chuyên viên ngoại quốc.
Nếu nhìn vấn đề như vậy, có thể nói là không những Nguyễn Trường Tộ đã “gặp” Itô Hirobumi mà còn “gặp” rất nhiều nhân vật Minh Trị khác - đặc biệt là Fukuzawa Yukichi và các trí thức trong Meirokusha. Tuy ông đã không gặp gỡ trên thực tế nhưng đã gặp họ qua phương sách vừa để đưa đất nước lên địa vị phú cường, mà qua đó lại có thể bảo vệ độc lập dân tộc của một nước Đông Á nhược tiểu trước những thách đố không ngừng của Tây phương.
 Các chú thích ở trên:
1         Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh , 1988 (sẽ viết tắt là NTT), tr. 120
2        Như trên
3        Như trên
4        Như trên, tr.29.
5        Như trên, tr. 36.
6        Như trên, tr. 155
7        Như trên, trg. 84-86
8        Người viết đã có dịp trình bày điểm này chi tiết hơn trong bài “Japanese and Vietnamese Attitudes Toward China : A Comparison” (Thử so sánh lối nhìn của Nhật Bản và Việt Nam đối với Trung Quốc) đăng ở tập san Asian and Pacific Quarterly, XXI, 2 (Autumn 1989), tr. 1-13.
9        Ông Đào Duy Anh là cháu rể của Phụ Chánh Trần Tiễn Thành.
10    Ông Đào Duy Anh viết là “non hai năm”, nhưng theo những tài liệu còn lại chúng ta chỉ có thể khẳng định là Nguyễn Trường Tộ ở Pháp khoảng 8 tháng (từ cuối tháng 3 cho đến cuối tháng 11, 1867).
11    Tri Tân, Số đã dẫn, tr. 23
12    NTT, tr. 63.
13    Như trên, tr. 22-23.
14    Trong bài này, Nguyễn Trường Tộ gợi ý là ông đi làm cho Pháp (Tây) không phải vì miếng cơm manh áo mà để tìm học tận mắt văn minh của họ, khi triều đình (Đông lân cung cấm) cần dùng thì ông sẽ đem hết tài năng ra giúp.
15    Qua hai câu này Nguyễn Trường Tộ muốn nói là cho dầu triều đình không chiếu cố đến ông, nhưng lòng ông vẫn luôn luôn hướng về triều đình như hoa hướng dương. Xem “Bài trần tình”, tr. 124; nguyên văn trích từ Dặng Huy Vận và Chương Thâu, Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIX (Hà Nội : Nxb Giáo Dục, 1961), tr. 30.
16    Xem Suzanne W. Barnett, “Protestant Expansion nad the Chinese Views of the West” (Sự bành trướng của Giáo Hội Tin Lành và nhận thức của Trung Hoa về Tây phương). Modern Asian Studies, 6,2 (1972). Có khá nhiều tài liệu bằng tiếng Anh về vai trò của Giáo hội Tin Lành trong thời kỳ này, chẳng hạn như : Alexander Wylie, Memorials of Protestant Missionaries to the Chinese [Những bản điều trần của các giáo sĩ Tin Lành gởi người Trung Hoa], nguyên bản sách này ra đời năm 1867, sau đó được Ch’eng-wen Publishing Company (Đài Loan) in lại năm 1967; hoặc Chang Hsit’ung, “The Earliest Phase of the Introduction of Western Political Science into China” [Sự du nhập của khoa chính trị học Tây phương vào Trung Hoa trong giai đoạn đầu], Yenching Journal of Socials Studies, V.1 (July 1950).
17    NTT, tr. 108. Đoạn bànvề nước Pháp trên đây, Nguyễn Trường Tộ trích dẫn từ nguyên bản của Doanh hoàn chí lược, tr. 533, quyển 7. Trong nguyên bản không nói đến “xe sắt” như phần trích dẫn trên đây từ NTT.
18    Đoạn bàn về nước Lào trên đây Nguyễn Trường Tộ trích dẫn từ nguyên bản của Doanh hoàn chí lược, tr. 91, quyển 1. Trong nguyên bản không có đề cập đến các giáo sĩ, hai chức “tuên uý sứ” và “tuyên vũi tư” trong nguyên bản là hai chức quan do triều đình Trung Quốc (nhà Minh) phái sang để cai trị dân địa phương chứ không phải nghĩa như chức “tuyên úy” của các tôn giáo sau này. Cần xem lại nguyên văn chữ Hán của Nguyễn Trường Tộ để xác nhận điểm này.
19    Giống như chức Tỉnh trưởng
20    Xem Fred W. Drake, “A Mid-nineteenth – century Discovery of the Non-Chinese World” [Sự khám phá của người Trung Hoa về thế giới bên ngoài vào giữa thế kỷ XIX]. Modern Asian Studies, 6,2 (1972); Saneto Keishu hiệu đính và Tam yue-him (Đàm Nhữ-Khiêm) chủ biên, Nihon’yaku Chugokusho sôgô mokuroku [Mục lục tổng  hợp của những sách Trung Quốc đã dịch sang tiếng Nhật].Hong Kong : Chinese University of Hong Kong (Trung Văn Đại Học). Theo Drake, Doanh hoàn chí lược được tái bản lần thứ hai vào năm 1850, lần thứ ba vào năm 1859 (chưa được xác minh), và lần cuối cùng vào năm 1866. Không rõ cuốn mà Nguyễn Trường Tộ có xuất bản năm nào, nhưng chắc chắn là phải trước năm 1866. Trong Ssu-yu Teng và John K. Fairbank, China’s Response to the West [Phản ứng của Trung Quốc đối với (sự bành trướng) của Tây phương] có trích dịch một đoạn của Doanh hoàn chí lược, tr. 42-46.
21    Xem Sakade Yoshinobu, Kô yu-I [Khang Hữu Vi]. Tokyo : Shueisha, 1985) tr. 35-36.
22    Drake, tài liệu đã dẫn, tr.217.
23    Tức là từ năm 1853 khi chiến hạm Hoa Kỳ do Đô đốc Perry đến Nhật đòi mở cửa thông thương cho đến khi chính quyền Tokugawa bị lật đổ và bắt đầu Minh Trị Duy Tân (1868)
24    Saneto và Tam, sách đã dẫn, tr. 100
25    Xem Lu Wan-he (Lữ Vạn-Hoa). Meiji ishin to Chugoku [Minh Trị Duy Tân và Trung Quốc] (Tokyo : Rokkô Shuppan, 1988), tr.123-25.
26    NTT, tr. 145-51. Trong bản điều trần về “Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh” (Lục lợi từ), Nguyễn Trường Tộ nói về tư tưởng “dĩ di trị di” nhưng qua lời của vua Đạo Quang : “Vua Đạo Quang nhà Thanh có nói : ‘Cái kế hay nhất để đánh địch không gì bằng lấy địch đánh địch’” (tr. 144)
27    Phòng vệ đường biển.
28    Tài liệu trong đoạn này chủ yếy dựa trên Lu Wan-he, sách đã dẫn, tr. 123-127. Về chi tiết của các ấn bản của Hải quốc đồ chí ở Nhật, xem Saneto và Tam, sách đã dẫn, đặc biệt các trang 4, 98-99, 101, 103, 136, 206.
29    Trích ở sách Joshua Fogel, Politics and Sinology : The Case Naitô Konan (1866-1934) [Dây liên hệ giữa chính trị và Trung -Quốc -học : Trường hợp của Naitô Konan (1866-1934)] (Cambridge, Mass : Harvard University Press, 1984), tr.15.
30    NTT. Tr.420.
31    Xem Sakade, sách đã dẫn, tr.98.
32    Ông Dào Duy Anh đã đề cập đến giả thuyết này trong bài “Nguyễn Trường Tộ học ở đâu?” đăng ở Tri Tân, số đã dẫn ; ông Đào Đăng Vỹ đã viết về vấn đề này trong bài “Nguyễn Trường Tộ và Y Đằng Bác Văn”, Văn Đàn, số 30-11-1961, tr. 11.
33    NTT, tr.99.
34    Itô xuất thân là vũ sĩ cấp dưới ở Chôshu
35    Xem Shibusawa Eichi, Tokugawa Keiki Kô den [Truyện Công tước Tokugawa Keiki] (Tokyo : Heibonsha, 1974), tập IV, tr. 3-6. Trong Meron Medzini, French Policy in Japan During the Closing Years of the Tokugawa Regime [Chính sách Pháp đối với Nhật Bản trong những năm cuối cùng của chính quyền Tokugawa] (Cambridege, Mass. : Harvard East Asian Monographs, 1971), tr. 173-174, cũng có nhắc đến phái đoàn Bakufu.
36    Sau này trở thành một nhà lãnh đạo tài giỏi vàothời Minh Trị, thiết lập chế độ ngân hàng và Daiichi Kokuritsu Ginkô (Đệ-Nhất Quốc-Lập Ngân-Hàng).
37    NTT, tr.43-44.
38    Theo luật lệ của Bakufu tức là chính quyền trung ương lúc bấy giờ, không người Nhật nào được đi ra nước ngoài.
39    Ông Trương Bá Cần có nói là “cuối năm 1864 chúng ta đã thấy có mặt ông ở Nhật Bản để làm thông dịch cho tướng quân”. Có lẽ ông đã lầm Shôgun (tướng-quân) và daimyô (đại-danh : lãnh chúa). Itô thuộc nhóm Chôshu phò thiên hoàng chống shôgun nên không có lý gì ông ta lại đi làm thông dịch cho tướng quân.
40    NTT, tr. 31.
41    Như trên.
42    Xem điều trần về “Khai hoang từ”, như trên, tr. 159-65
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2434%3Avai-y-kin-ong-gop-vao-vic-tim-hiu-va-anh-gia-nguyn-trng-t&catid=100%3Avn-hoa-lch-s-trit-hc&Itemid=161&lang=vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét