Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

“Hành trình” từ Tân thư, Duy tân đến Nam du

Thứ sáu, 23 Tháng 3 2007 22:42
Phan Châu Trinh, một trong những sĩ phu yêu nước tiêu biểu của phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta vào đầu thế kỷ XX, là người đầu tiên khởi xướng dân quyền, chủ trương Duy tân đất nước theo con đường “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (mở mang dân trí, chấn hưng tinh thần dân tộc, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân). Trong bài viết này, chúng tôi bước đầu tìm hiểu về các hoạt động chủ yếu của ông trong những năm 1904 - 1905... 
Gặp gỡ "Tân thư”...
Phan Châu Trinh, tên chữ là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh năm 1872, mất năm 1926, người làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Năm 1900, ông đỗ cử nhân cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu. Năm 1901, đỗ phó bảng cùng khoa với Ngô Đức Kế và Nguyễn Sinh Huy. Năm 1902, ông làm Thừa biện bộ Lễ tại Huế, bắt đầu tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản của Rousseau, Montesquieu qua các “tân thư” của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Có lẽ cũng vào năm này ông đọc được “Thiên hạ đại thế luận” của Nguyễn Lộ Trạch. “Tân thư” đã gây cho ông những nhận thức mới, như ông đã viết trong “ Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam : “Vì tôi từ nhỏ đến lớn, từ khi vào học cho đến khi thi đậu, làm quan, không có ai biết mình, mà cũng không có lúc nào đắc chí (...). Đến ngày kia có sách mới mà đọc thì thích lắm, nói: “Đây chính là thời hữu dụng của kẻ ngu cuồng. Ta đem cái chí cuồng ngu của ta, thi hành kiến thức ngu cuồng của ta, chưa hẳn không ít có ích cho quốc dân”.
Có thể nói, việc tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản qua “tân thư” là một bước ngoặt lịch sử trong đời sống hoạt động yêu nước của Phan Châu Trinh, được xem là “vén mây mù mà thấy trời xanh...”. Qua “các sách mới dịch của châu Âu”, tư tưởng Duy tân đất nước với các mục tiêu “khai dân trí, chấn dân khí,  hậu dân sinh” của ông đã từng bước hình thành...
Thử nghiệm “Duy tân” ở Quảng Nam
Năm 1903, Phan Bội Châu từ Nghệ An vào Huế đã tìm gặp Phan Châu Trinh. Cũng trong năm này, cụ Phan Châu Trinh cùng Phan Bội Châu, Vũ Phương Trứ bàn chuyện dâng thư lên triều đình nhà Nguyễn xin bỏ khoa cử, nhưng không thành. Do đọc được cuốn “Lưu cầu huyết lệ thư”, nên Phan Châu Trinh đã có phần hâm mộ Phan Bội Châu nhưng trong các cuộc đàm đạo “Phan Châu Trinh kiên quyết bác ý kiến giương ngọn cờ quân chủ để tập hợp nhân dân đánh Pháp của Phan Bội Châu”. Đây có thể được xem là một báo hiệu của sự phân hóa thành hai kiến giải khác nhau về con đường cứu nước của hai phái Đông tu và Duy tân vào những năm sau đó, mặc dù cả hai phái đều có chung chủ trương là phải kết hợp cứu nước với Duy tân và “mục đích cuối cùng của họ cũng đều là đẩy người Pháp ra khỏi Đông Dương”.
Năm 1904, hai người bạn tri kỷ của Phan Châu Trinh là Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đều đỗ tiến sĩ. Tuy nhiên, như Huỳnh Thúc Kháng viết trong “Tiểu sử của Trần Quý Cáp” rằng trong tình hình “cựu học đã hạ màn, tân học bắt đầu khai diễn”, rồi “cuộc cách mạng Trung Hoa nổi dậy sau cuộc Mậu Tuất chính biến, Nhật Nga xung đột, ảnh hưởng rất lớn trong nước” ... các ông đều thấy phải "tự gánh trách nhiệm bài xích cử nghiệp, đề xướng tân học”, “qua cầu dứt cầu không ngó lại nữa”. Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp không chịu ra làm quan. Phan Châu Trinh lấy cớ không có người hương khói cho tổ tiên xin cáo quan, ông về quê rồi cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp tổ chức những cuộc thăm viếng và đàm đạo với nhiều nhân sĩ trong tỉnh để tìm người đồng tâm. Chủ trương Duy tân đất nước của các ông được tuyên truyền sâu rộng. Ba ông lên miền nguồn Thu Bồn, “lên cả vùng Tý, Sé, Kẽm để thức tỉnh miền thượng du tỉnh nhà, vận động tài chánh cho việc Đông du (?). Lên nguồn Phước Sơn rồi trở xuống Thạnh Mỹ đặng gặp cụ Tiểu La”. Cũng năm này, người anh em cô cậu của Phan Châu Trinh ở làng Phú Lâm (Tiên Phước) là Lê Cơ đã vận động nhân dân trong làng đóng góp tiền để xây dựng trường tân học và góp cổ phần để lập hiệu buôn tạp hóa với tên gọi là Thương hội bình dân. Cuộc vận động Duy tân được dấy lên ở Quảng Nam và chủ trương khai trí, trị sinh của Phan Châu Trinh từng bước được thực hiện.
Cuộc “Nam du” tìm bạn đồng tâm, mở rộng phong trào
 Đám tang cụ Phan Châu Trinh. Ảnh: Tư liệu.
Trong “Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam”, Phan Châu Trinh cho rằng cho đến trước phong trào chống thuế 1908 bùng nổ, ông và các đồng chí của ông đã làm được các việc: đưa thư chính phủ Pháp để công kích quan Nam, lập hội buôn, lập trường tiểu học phổ thông ở hương thôn, lập hội tân học, lập hội diễn thuyết, lập hội trồng cây, lập hội cắt tóc mặc áo ngắn và “lập mà chưa thành” các hội khác như hội cải lương tơ tằm, hội cải lương vải Nam... Song đây là những thành quả sau khi phong trào Duy tân đã lan rộng ra Trung và Bắc vào những năm 1906-1907. Còn vào thời điểm năm 1904, thì phong trào Duy tân chỉ mới được thử nghiệm ở Quảng Nam như đã đề cập ở trên.
Theo Phan Châu Trinh, để làm được việc lớn cần phải khuấy động cả nước, hình thành một phong trào rộng khắp Bắc, Trung, Nam, vì vậy ông đã cùng hai đồng chí, hai người bạn tri kỷ của mình quyết định đi xa một chuyến nhằm để biết thêm nhân tâm, sĩ khí, tìm bạn đồng tâm và mở rộng phong trào. Ba ông chọn các tỉnh phía Nam làm hướng hành trình cho chuyến đi. Tháng 2-1905, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp bắt đầu chuyến “Nam du”. Trên đường “Nam du” các ông đã dừng lại ở những nơi đô hội để vận động Duy tân và gây ra được những “tiếng nổ mạnh” với âm hưởng lâu dài, đặc biệt là sự kiện được Huỳnh Thúc Kháng thuật lại trong “Tây Hồ tiên sinh lịch sử” : Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp cùng nhau nộp quyển vào trường thi tại Bình Định nhằm lợi dụng khảo hạch để đánh một tiếng chuông cảnh tỉnh đám sĩ phu
Cả bài thơ, bài phú đều ký tên là Đào Mộng Giác (nghĩa là “anh chàng họ Đào tỉnh mộng”). Bài thơ của Phan Châu Trinh đã chỉ trích sĩ phu say mê bát cổ, không nghĩ đến cái nhục mất nước, cái nhục nô lệ và như vậy không biết ngày nào mới “tháo cũi sổ lồng”. Bài phú cũng là một áng văn chương hay, tập trung phê phán bệnh khoa cử, tả nỗi khổ của nhân dân và cảnh nhục nhã của sĩ phu trước sự áp bức của giặc.
Ngay sau khi gây “một tiếng sét đánh” trên, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp phải nhanh chóng... rời Bình Định. Vào Nha Trang, ba ông đến cảng Cam Ranh xem hạm đội Nga do đô đốc Jonquieres chỉ huy vừa vào cảng xin đồn trú, rồi lại tiếp tục lên đường vào Phan Thiết. Tại Phan Thiết, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp kết giao với các sĩ phu yêu nước ở đây như Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Trọng Lội, Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang. Sau đó, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp về lại Quảng Nam. Riêng Phan Châu Trinh còn lưu lại Phan Thiết mấy tháng sau, vừa dưỡng bệnh vừa tiếp tục bàn với các sĩ phu ở đây về việc tổ chức các hoạt động “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như “lập thơ xã, giảng sách mới, lập thanh niên thể dục để dạy thanh niên theo tinh thần mới và lập các hội kinh tài để lấy huê lợi giúp học sinh”. Theo hướng của Phan Châu Trinh, tháng 5-1906, “Liên Thành thơ xã” ra đời; ngày 6-6-1906 “Liên Thành thương quán” khánh thành và năm 1908, “Dục Thanh học hiệu” mở cửa ở Phan Thiết...
Về Phan Châu Trinh, tháng 9-1905, ông rời Phan Thiết trở lại Quảng Nam, kết thúc chuyến “Nam du” dài ngày. Trên đường trở về, có một sự kiện đáng được lưu ý là Phan Châu Trinh dừng lại Quảng Ngãi, vận động Lê Khiết tham gia phong trào Duy tân. Qua vận động của Phan Châu Trinh, Lê Khiết từ một thuộc hạ của Nguyễn Thân trở thành một “tân nhân vật” và hy sinh trong phong trào chống thuế năm 1908.
BÙI XUÂN
http://baoquangnam.com.vn/nh%C3%A2n-v%E1%BA%ADt/5100-hanh-trinh-tu-tan-thu-duy-tan-den-nam-du.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét