Chương II
Chính phủ mới và chính sách trung ương tập quyền
Tiết I: Tân chính phủ ra đời:
1.1 Chiến tranh Mậu Thìn (Boshin) bộc phát và kết liễu:
Cuộc hội họp của “tiểu triều đình” quyết định Tokugawa Yoshinobu phải từ chức và trả lại lãnh địa chưa dẫn ngay đến cuộc chiến tranh năm Mậu Thìn mà sử Nhật mệnh danh là Boshin sensô (1868-1869). Thực ra trước khi nó xảy ra, phái “công nghị” đã có cơ hội quật ngược lại - hơn nữa - một điều khó có thể tưởng tượng là vào một thời điểm, việc trao nhiệm vụ đứng đầu chính quyền cho cựu Shôgun Yoshinobu được xem như là giải pháp khả thi để tránh bế tắc.
Xin trình bày gọn gàng như sau:
Khi lệnh buộc “từ quan nạp địa” vừa được truyền ra, tức khắc các cựu thần của mạc phủ và phe cánh của cựu mạc phủ, gọi là phái “tá mạc” (sabaku) vô cùng phẫn nộ vì cho rằng triều đình xử sự quá khắc nghiệt. Thật vậy, đùng một cái mà lột hết chức tước và tịch biên đất đai của người ta thì làm sao tránh khỏi phản ứng như thế từ phía những kẻ chịu thiệt hại.
Tuy nhiên riêng Yoshinobu thì ông chỉ lẳng lặng rời Kyôto và rút về thành Ôsaka. Bởi vì ông ý thức được phái chủ trương dùng vũ lực để lật đổ ông đang mưu tính điều chi. Họ chắc hẳn chờ đợi sự bùng nổ nào đó để đi đến một cuộc nổi dậy chống lại triều đình của phái “tá mạc” khi những người này cũng bị du vào tình thế bị ép uổng phải “từ quan nạp địa”. Và dĩ nhiên kể từ phút đó, mạc phủ sẽ hoàn toàn trở thành “triều địch” (chôteki), kẻ nghịch tặc trước mặt Thiên hoàng và chính phủ mới. Im miệng nín thinh chịu trận như Yoshinobu có nghĩa là khôn ngoan và bình tĩnh đối phó với tình huống chứ không chịu chui vào cái bẩy do phái “thảo mạc” giăng ra.
Mặt khác, lúc đó trên toàn quốc, khi quyết định của “tiểu triều đình” đến tai họ, hầu hết lãnh chúa các phiên đều phê phán lối cư xử của triều đình và dần dần tỏ ra có thiện cảm với Yoshinobu. Dựa vào đó, phái “công nghị” có thêm sức mạnh và mưu đồ đấu tranh chống lại phái “vũ lực thảo mạc”, những mong đoạt lấy chính quyền để đưa Yoshinobu lên vị trí đứng đầu chính phủ mới.
Nếu tình huống trôi chảy một cách bình thường, có lẽ việc Yoshinobu nắm chính quyền cũng không phải là một điều vô lý nhưng lịch sử vốn trớ trêu nên vào ngay lúc đó, đã có một sự kiện lớn phát sinh.
Tại Edo, bản doanh của mạc phủ và là một nơi cách xa trung tâm chính trị Kyôto cả nghìn cây số, một nhóm cựu mạc thần đã nổi dậy, phá tan hoang một số dinh thự của phiên Satsuma, vốn là thế lực trung tâm của phái chủ trương dùng vũ lực đuổi mạc phủ. Tại sao cơ sự đó đã xảy ra? Người ta cho rằng vì trước tiên, một số võ sĩ vô chủ nay theo phiên Satsuma đã có những hành động bạo lực, sách nhiễu, phá rối trị an Edo và vùng lân cận.Vì không nhịn nhục nổi trước sự lộng hành ấy mà các cựu mạc thần mới ra tay chăng?
Cũng có thể hiểu đây là một cái bẫy mà phái “thảo mạc bằng võ lực” giăng ra. Có người chỉ đích danh Saigô Takamori của phiên Satsuma đã giật giây bên trong. Để ngăn chận việc Yoshinobu tham gia nội các, có thể ông ta đã bày kế hoạch tác chiến bằng cách chỉ thị cho bộ hạ khiêu khích các cựu mạc thần chăng? Nếu đúng thế thì các cựu mạc thần đã rơi gọn lỏn vào giữa cái bẫy giăng ra cho họ. Và Yoshinobu phải thất vọng biết mấy.
Biết được chuyện đánh phá này, quân đội “tá mạc” của các phiên Aidzu, Kuwana đang đóng trong thành Ôsaka cũng phấn khích theo. Họ biểu lộ tình cảm ấy qua hành động quân sự bằng cách đem binh tiến vào Kyôto.Từ Edo, các binh đoàn cựu mạc phủ cũng lần lượt đổ xô về. Đã đến nước này thì không còn cách gì để cứu vãn hòa bình.
Binh đoàn cửa cựu mạc phủ khi đến cửa ngõ Kyôto tức vùng Toba-Fushimi thì bị liên quân của phái “thảo mạc bằng võ lực” - nay là “quan quân” (kangun) tức lính của chính phủ và triều đình - gồm lực lượng các phiên Satsuma và Chôshuu, chận đứng. Sau khi gờm nhau, hai bên đã đánh nhau thực sự và toàn bộ vào ngày 3 tháng 1 năm 1686 (Meiji nguyên niên). Đó là trận Toba-Fushimi (trong trận này có mặt đại úy người Pháp, Jules Brunet (1838-1911), chiến đấu bên cạnh quân cựu Mạc phủ, nhóm Shinsengumi và từng đào vong với Enomoto Takeaki, Hijikata Toshizô lên tận Hokkaidô.
Jules Brunet (hình tượng của Nathan Algren trong phim The Last Samurai (2003)[16].
Kết quả của trận này là phần thắng đã về tay quân đội triều đình tức “quan quân”. Điều chúng ta ngạc nhiên có lẽ là sự bất tương xứng về quân số. Trong khi quân “tá mạc” đông đến 1 vạn 5 nghìn người thì quân chính phủ và triều đình chỉ có 5 nghìn thôi. Với quân số lép vế là 1/3, thế mà quân triều đình đã giành lấy chiến thắng..
Lý do là hai bênh có sự chênh lệch về võ khí cũng như trang bị. Quân của cựu mạc phủ phần lớn chỉ vũ trang bằng súng hỏa mai (matchlock, arquebus) và mang áo giáp nặng nề. Trong khi đó bên phía triều đình họ có súng trường (rifle) và trọng pháo vừa mới nhập từ nước ngoài. Quần áo thì gọn gàng và nhẹ nhàng như quần áo chiến đấu của quân lính hiện đại. Trong khi súng hỏa mai mỗi phát súng đều phải châm ngòi thì súng trường có thể bắn vài phát. Áo giáp thì nếu người nào mang nó mà chạy, vừa vặn khoảng 50m đã thở hồng hộc trong khi trang phục nhẹ nhàng như quân triều đình thì có thể chạy nước rút cả 100m mà chưa hụt hơi.Cảnh tượng hai bên đánh nhau chẳng khác cuộc vật lộn giữa người lớn và con nít. Quân cựu mạc phủ do đó dù đông đảo nhưng không thể nào nắm phần thắng.
Qua ngày thứ hai thì chiến cuộc đã rõ ràng. Trong lúc đó, Tokugawa Yoshinobu đang ở trong thành Ôsaka. Quân đội ủng hộ ông đang từ Edo kéo đến. Nếu như ông xuống lệnh cho tất cả các lãnh chúa trên toàn quốc cử binh trừ phái “đảo mạc bằng võ lực” và tự mình cầm quân tiến về Kyôto thì có khi dòng lịch sử đã đổi theo một hướng khác cũng không chừng. Thế nhưng Yoshinobu đã từ chối hành động như vậy. Ngược lại, người ta không thể nào tin nổi khi biết rằng ngày 6 tháng 1, ông đã lặng lẽ leo lên thuyền, bỏ Ôsaka trốn về Edo mà không bàn bạc và thông báo với cả gia thần của mình. Hơn thế nữa, khi đặt chân xuống Edo, ông đã cho biết mình không có ý định chống lại chính phủ mới và quân triều đình. Thế rồi, ông sống kín đáo, dè dặt trong một ngôi chùa, không để ai biết đến.
Tuy nhiên, triều đình và chính phủ mới vẫn tuyên bố Yoshinobu là triều địch (chôteki) và quyết định gửi quan quân đi tiểu trừ. Do đó mới xảy ra cuộc chiến năm Mậu Thìn (Boshin sensô, 1868, Keiô 4, Meiji 1).
Quan quân lúc ấy mới chia làm mấy nhánh tiến đánh Edo, nhắm vào đất phát tích của mạc phủ. Dọc đường họ hầu như không gặp sự đề kháng của các lãnh chúa. Chẳng những thế, những người này đều trở giáo đi theo, có kẻ còn xin được làm quân tiên phong để tấn công Edo. Không những chỉ có các lãnh chúa tozama (ngoại dạng) là những kẻ đứng vòng ngoài mà ngay cả các lãnh chúa shinpan (thân phiên) và fudai (phổ đại) là chỗ thân thích hay bầy tôi thân tín mà cũng đều như thế cả. Phù thịnh chứ không phù suy, đó chẳng qua là thế thái nhân tình.
Diễn biến của cuộc chiến tranh Boshin (Mậu Thìn, 1868)
Thứ tự
|
Thời điểm
|
Sự kiện
|
1
|
Tháng 1/1868
|
Trận Toba-Fushimi: Phẫn nộ vì quyết định bắt Tokugawa Yoshinobu từ quan nạp địa, 1 vạn 5 nghìn quân cựu mạc phủ tiến vào Kyôto, đụng độ với 5 nghìn quân chính phủ (Satsuchô). Quân chính phủ thắng lợi.
|
2
|
Tháng 4/1868
|
Đồng minh Ôu-Etsu (Áo Vũ- Việt): Mười bốn phiên vùng Sendai và Yonezawa miền Đông Bắc cùng nhau yêu cầu triều đình xá tội cho phiên Aidzu nhưng tân chính phủ từ khước. Họ bèn lập đồng minh Ôu-etsu reppan dômei gồm 31 phiên để chống cự.
|
3
|
Tháng 5/1868
|
Chương Nghĩa Đội kháng chiến: Cựu mạc thần thành lập Shôgitai (Chương Nghĩa Đội). Sau khi thành Edo đầu hàng vẫn cố thủ ở chùa Ueno Kan.eiji (Thượng Dã Khoan Vĩnh Tự) để cử binh nhưng bị đánh thua.
|
4
|
Tháng 5 đến 7/1868
|
Trận thành Nagaoka:Chức Karô (Gia lão) của phiên Nagaoka (Trường Cương) là Kawai Tsuginosuke chống cự lại quân chính phủ, có lúc đã tạm thời đẩy lui quân chính phủ nhưng rồi vẫn thua.
|
5
|
Tháng 8 đến 9/1868
|
Trận Aidzu (Hội Tân):Lãnh chúa của phiên là Matsudaira Katamori (trước thuộc phái công nghị) nay tỏ ý phục tùng nhưng phía chính phủ không chấp nhận. Xung đột xảy ra, tháng 9 thành Wakamatsu vỡ.
|
6
|
Tháng 10/1868 đến tháng 2/1869
|
Trận Goryôkaku (Ngũ Lăng Quách): Đề đốc hải quân của mạc phủ là Enomoto Takeaki đưa hạm đội lên thành năm góc ở Hakodate (Hokkaidô) để lập nước cộng hòa nhưng bị quân chính phủ đánh bại, phải hàng. Chiến tranh Mậu Thìn kết thúc.
|
Chính vì bị Yoshinobu bỏ rơi mà quân đội cựu mạc phủ đã phải chuốc lấy kết cuộc bi thảm. Khi biết rằng thủ lãnh của mình đã bỏ trốn, quân đội “tá mạc” tan đàn rẻ nghé cũng bỏ thành Ôsaka để tìm đường về Edo nhưng giữa đường bị các phiên trấn nay theo chủ mới chận đánh nên không ít người đã phải bỏ mạng.
Nhân đây cũng phải nói thêm rằng trong đoàn quân chiến thắng cũng có người gặp phải hoàn cảnh bi đát. Đó là trường hợp của Sekihôtai (Xích báo đội), một tập đoàn 60 người từng lãnh nhiệm vụ tiên phong tiến đánh con đường huyết mạch Nakasendô (Trung sơn đạo) nghĩa là có nhiều công lao. Người đội trưởng tên là Sagara Sôzô (Tương Lạc, Tổng Tam) và những thành viên của đội phần lớn là võ sĩ vô chủ trước đây đã nhận mệnh lệnh của phiên Satsuma để gây rối loạn trong thành phố Edo (nhử cho quân cựu mạc phủ ra tay trước). Bọn họ đi đâu cũng vỗ về dân chúng là “Nếu tân chính phủ thống nhất toàn quốc thì nông dân sẽ được giảm đến phân nữa tuế cống”. Ý họ muốn có sự hợp tác của nông dân trong “thiên lãnh” (tenryô) tức lãnh địa trước đây do mạc phủ trực tiếp cai quản. Nhờ đưa ra chiêu bài như vậy, họ đã thành công trong việc đặt những vùng đất đó dưới sự quản trị của chính phủ. Dĩ nhiên, việc hứa hẹn giảm phân nữa tuế cống (tức thuế ruộng đất) cũng đã được chính phủ xác nhận đồng ý.
Lực lượng quan quân (phe triều đình) hiệp nghị trong Chiến tranh Boshin
Nào ngờ, chiến tranh Boshin càng kéo dài, chi phí quân nhu quân dụng phải tăng lên và tăng đến mức khủng khiếp, không ai lường trước được. Để có tiền chi dụng, chính phủ đã phải bắt buộc các thương gia giàu có như Mitsui, Ono ở Kyôto, Kônoike ở Ôsaka đóng góp một món tiền tiến cúng gọi là Goyôkin (Ngự dụng kim) hầu đắp điếm lỗ thủng trong ngân sách. Lỗ thủng do chiến phí rất lớn, đến nổi tuy đã thu vào 300 vạn lượng mà cũng không sao bù được. Đến lượt chính phủ phải cho in một thứ hóa tệ không có khả năng giao hoán với các thứ hóa tệ thông dụng (chính hóa =seika). Loại hoá tệ này (fukan shihei = bất hoán chỉ tệ) có tên là Dajôkansatsu (Thái Chính Quan trát) Minbushô-satsu (Dân Bộ Tỉnh trát), nôm na là công trái do chính phủ và bộ nội vụ in, được phát hành một cách liên tục. Nhờ đó, sự thâm thủng ngân sách quốc phòng mới tạm ổn.
Trong tình trạng tài chánh cực kỳ xấu như thế, việc giảm thuế mà Sekihôtai đã hứa hẹn với nông dân thì khi chiến tranh chấm dứt, nhất định chính phủ không thể nào thực hiện nổi. Thế nhưng điều đã hứa mà không đem ra thực hiện thì về sau dân chúng sẽ không còn tin vào những gì chính phủ nói nữa. Nguy cơ một cuộc nổi loạn nông dân (ikki) với qui mô lớn xem ra khó lòng tránh được.
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đã làm một việc cực kỳ “bá đạo” nghĩa là phản bội những người đã sống chết vì mình. Họ cho tập hợp toàn đội viên Sekihôtai lại và tuyên bố “Các ngươi chỉ là những kẻ giả mạo chứ không phải quan quân!”. Thế rồi, không cần xét hỏi hay để cho phân trần, họ đem giết Sagara Sôzô và 8 người khác thuộc cấp chỉ huy. Như thế, họ đã xử chìm xuồng lời hứa với đám nông dân về vụ giảm phân nửa tuế cống. Dĩ nhiên, Sagara không hề là quan quân giả mạo và hoàn toàn vô tội trong vụ này. Tội nghiệp cho các đội viên Sekihotai, những người vì một giấc mộng cao đẹp là muốn thống nhất Nhật Bản, đã chiến đấu không tiếc thân cho chính phủ mới để rồi bị phản bội như thế.Tình hình bất ổn đã được trấn áp bằng dòng máu vô tội và oan khuất của họ.
Tuy là một thông tin bên lề với câu chuyện lịch sử Nhật Bản chúng ta đang đề cập nhưng nó cũng đáng được gọi là một bài học lịch sử mà bất cứ bài học lịch sử nào cũng không thể bị coi là bài học nhỏ nhoi.
Cục diện chiến tranh Boshin từ Nam lên Bắc (1868-69)
Trở lại câu chuyện đang nói dở dang thì tháng 3 năm ấy (1868), các đạo quân của chính phủ (từ nay sẽ chỉ gọi là quan quân) đã bao vây chung quanh Edo. Có thuyết cho rằng bộ tư lệnh định ngày 15 tháng 3 sẽ mở cuộc tổng tấn công vào thành phố.
Cựu Shôgun Yoshinobu lúc ấy đang sống khép kín trong chùa Ueno Kan.eiji, lo lắng thấy tình thế đã đi đến chỗ nguy kịch và muốn cứu Edo khỏi cơn máu lửa. Ông bèn cho gọi bầy tôi Katsu Kaishuu (Thắng, Hải Chu, 1823-1899), người trước đây là Tư lệnh hải quân của mạc phủ và ra lệnh phải thương thuyết với quan quân để có giải pháp hòa bình. Katsu chính là người đã điều khiển chiếc tàu Kanrin-maru vượt Thái Bình Dương sang Mỹ trong lần tháp tùng sứ bộ năm Mannen nguyên niên (1860) trước đây.
Yoshinobu giao sứ mệnh đó cho Katsu có lẽ vì ông biết Katsu chơi thân với một số tướng chỉ huy phía quan quân. Ngày 13 tháng 3, Katsu đã có dịp hội đàm ở quán Hashimotoya khu Takanawa (nay gần ga Shinagawa) với quan tham mưu (Daisôtokufu sanbô = Đại tổng đốc phủ tham mưu) của quan quân là Saigô Takamori (Tây Hương, Long Thịnh, 1827-1877). Trên thực chất, Saigô đóng vai trò Tổng chỉ huy quân đội. Ngày hôm sau, họ đi đến thỏa thuận là thành Edo sẽ mở cửa vô điều kiện, quan quân đình chỉ việc tổng tấn công, và như thế, tiết kiệm xương máu. Nhờ thỏa thuận này quan quân đã chiếm được thành phố Edo mà không đổ máu. Sử gọi sự kiện này là Edo muketsu kaijô (Giang Hộ vô huyết khai thành).
Saigô Takamori (1828-1877), đã thắng mà lại bại
Sau khi chiếm được Edo không mấy khó khăn, quan quân bắt đầu phải đối phó với một việc khó khăn hơn là bình định toàn quốc.Tưởng rằng với khí thế đang lên, họ có thể dẹp dư đảng của mạc phủ dễ dàng nhưng thực tế không phải như vậy. Lãnh chúa các phiên vùng Tôhoku (Đông Bắc) đã kháng cự khá mãnh liệt.
Sau thắng lợi ở vùng Kantô, trước tiên quan quân tổ chức tấn công phiên Aidzu (Hội Tân) mà vị trí địa lý là một thung lũng nằm ở phiá tây tỉnh Fukushima bây giờ. Chúng ta còn nhớ lãnh chúa của phiên – Matsudaira Katamori – người đã có ý kiến đối lập với cánh Satsuma Chôshuu trong những cuộc họp của “tiểu triều đình” và trở thành một thành viên của phái “tá mạc”. Quan quân như thế đã biểu lộ ý chí trừng phạt, muốn đập tan tành thế lực đối kháng của mạc phủ mà việc “vô huyết khai thành” ở Edo đã làm cho họ ấm ức vì mất cơ hội biểu dương lực lượng. Nói cách khác, Aidzu gặp số đen là làm kẻ thế mạng.
Byakkotai, đoàn quân 305 thiếu niên cảm tử của Aidzu
Các phiên trấn vùng Đông Bắc lúc đó đã đồng thanh yêu cầu tân chính phủ nương tay đối với Aidzu và phản đối việc quan quân đang điều binh đến đó. Khi biết rằng tiếng nói của mình bị bỏ ngoài tai, các phiên bèn tổ chức Đồng minh chư phiên (Ôuetsu reppan Dômei = Áo Vũ-Việt liệt phiên đồng minh) để đánh nhau với quan quân.
Như thế chiến tranh đã xảy ra ở vùng Đông Bắc từ tháng 7 cho đến tháng 8.Tuy phiên Nagaoka (Trường Cương, miền trung tỉnh Niigata hiện nay) tỏ ra thiện chiến nhưng kết cuộc họ vẫn bị quan quân đè bẹp. Tháng 9, đến phiên Aidzu hàng phục. Cả vùng Đông Bắc chịu sự áp chế của quan quân.
Byakkotai và Nijima Yae
Tháng 1 năm 1868, sau khi quân mạc phủ bại trận ở Toba-Fushimi, chủ phiên Aidzu là Matsudaira Katamori rút về lãnh địa, không kháng cự và còn gửi thư kêu oan cho triều đình nhưng Đông chinh quân (quan quân) vẫn tiếp tục tấn công, buộc lòng ông phải chống lại. Tháng 3 năm đó, ông bèn cho tổ chức binh chế mới để dốc toàn lực vào cuộc tranh hùng. Ông cho lập các đội Bạch hổ (16-17 tuổi), Chu tước (18-35 tuổi), Thanh long (36 đến 49 tuổi) và Huyền vũ (từ 60 tuổi trở lên). Các đội viên Bạch hổ (Byakkotai) phần lớn là học sinh trường Nisshinkan (Nhật tân quán) của phiên. Sau trận kịch chiến với quân triều đình ở một vùng bên cạnh, 20 thiếu niên trong đội đang ở trên núi Iimoriyama, nhìn thấy khói đen bốc lên trên thành Wakamatsu, tưởng thành đã vỡ, tuyệt vọng, nên cùng nhau tự sát, Chỉ còn một mình một cậu nhỏ 14 tuổi là Iinuma Sadakichi ( 1854-1931) sống sót.
Cùng lúc đó, phụ nữ Aidzu cũng tổ chức chiến đấu. Trong bọn họ, có bà Yamamoto Yae (1845-1932), xuất thân con gái lớn của gia đình người dạy pháo thuật phiên Aidzu. Rất dũng cảm, bà mặc nam trang và mang súng ứng chiến quân triều đình. Được xem như Jeanne d’Arc Nhật Bản. Tuy có nhiều phụ nữ bị tử thương hoặc tự tử cho tròn danh tiết trong trận đánh nhưng bà Yae là một người sống sót. Sau đó bà xin anh cho xuống Kyôto (1871), học tiếng Anh và có dịp dạy Anh văn trong các trường nữ học và các cơ xưởng. Bà thành hôn với ông Niijima Jô(1843-1890), người từng theo Sứ bộ Iwakura sang Mỹ (1872) cũng như đã thành lập Đại học tư thục công giáo Dôshisha (1875, 1912). Bà còn học thánh kinh (1876) để trở thành nhà truyền giáo đạo Ki-tô. Từng tham dự như khán hộ tình nguyện trong hai trận Nhật Thanh và Nhật Nga, được ban thưởng nhiều huân chương.
Thế nhưng, cuộc chiến tranh Mậu Thìn vẫn chưa thực sự kết thúc.Một cựu mạc thần là tướng hải quân Enomoto Takeaki (“Hạ” Bản, Vũ Dương, 1836-1908) đã lên Ezochi (tức đảo Hokkaidô), đồn binh ở Goryôkaku (Ngũ lăng quách = Thành năm góc) trong thành phố Hakodate, để tiếp tục chiến đấu chống quan quân. Cuộc kháng chiến của ông kéo dài cho đến năm sau (1869). Đến tháng 5, lúc quan quân mở cuộc tổng tấn công và Enomoto phải qui hàng thì tính ra từ khi vùng Đông Bắc bình dịnh cho đến lúc ấy, họ đã phải mất đến nửa năm trời. Lý do là Ezochi rất lạnh, quan quân phải chờ cho đến khi tuyết tan mới có thể hành binh. Nhân dịp này, tướng Pháp Jules Brunet được tàu Pháp đưa về Saigon và chấm dứt binh nghiệp của mình ở tổ quốc như Tham mưu trưởng quân đội Pháp chứ không tử trận trên đất Nhật như nhân vật hư cấu Đại úy Nathan Algren.
Enomoto Takeaki (1836-1908)
Với sự kết thúc của cuộc chiến tranh Mậu Thìn kết thúc, tân chính phủ đã hoàn thành việc thống nhất toàn quốc.
1.2 Năm điều thề ước và Năm bảng yết thị:
Theo tinh thần của Daigôrei tức tuyên ngôn phục hồi quyền lực của thiên hoàng và triều đình, trên nguyên tắc, tân chính phủ mà thiên hoàng đóng vai trò trung tâm đã phải bắt đầu nắm quyền lực nhưng lúc đó, ảnh hưởng của gia đình Tokugawa hãy còn khá mạnh nên vai trò của chính phủ vẫn chưa hoàn toàn củng cố. Chỉ đến lúc trận chiến tranh Mậu Thìn bước vào khoảng giữa và quan quân làm chủ được tình hình quân sự - đặc biệt khi thành Edo tuyên bố mở cửa và hàng phục vô điều kiện - nó mới ổn định được.
Việc tân chính phủ làm đầu tiên là công bố vào tháng 1 năm 1868 (Meiji nguyên niên) với các nước là kể từ đây họ sẽ thay thế cựu mạc phủ để nhân danh Nhật Bản trong việc hành sử quyền chính trị và ngoại giao. Tháng 3 cùng năm, họ công bố một văn kiện chính thức có tên là Năm điều thề ước (Gokajô no seibun =Ngũ cá điều thệ văn).
Nội dung có hai điểm chính. Một là tôn trọng ý kiến do các bên thảo luận đưa ra (kôgi yoron no sonchô = công nghị thế luận tôn trọng) và mở cửa giao hiếu với các nuớc (kaikoku washin = khai quốc hòa thân).
Nói rõ một chút thì tân chính phủ tuyên hứa sẽ mở những cuộc hội nghị để cùng nhau thảo luận và coi trọng tất cả ý kiến người khác phát biểu. Ngoài ra, sẽ phải thay đổi tư duy “nhương di” để có thể sống hòa hợp với cộng đồng quốc tế.
Năm điều tuyên hứa đó là những gì mà Thiên hoàng Meiji đã cùng với triều thần của mình bá cáo với thiên địa thần minh. Hình thức bá cáo này có hơi lạ lùng đối với người nước ngoài. Văn bản này do chức Sanyo (Tham dự) là Yuri Kimimasa (Do Lợi, Công Chính, 1829-1909) soạn ra. Văn bản này trên nguyên tắc sẽ là cơ sở thẩm nghị cho mọi quyết định về chính sách của tân chính phủ. Sau đó thì Fukuoka Takachica (Phúc Cương, Hiếu Để, 1835-1919), một vị quan khác lại đề nghị nội dung đó cũng sẽ đưọc áp dụng cho hội nghị giữa các lãnh chúa và yêu cầu thiên hoàng cùng với các lãnh chúa họp nhau lại, thề thốt trước mặt thần linh là sẽ bảo vệ những qui tắc này. Thế nhưng sau đó các công khanh lại tỏ ra chống đối việc đó, chủ trương bằng mọi cách phải để thiên hoàng thân chính (tự mình trực tiếp cai trị) mới được. Do đó, đại thần Kido Takayoshi mới kịp thời sửa đổi theo tinh thần đó và đem công bố.
Dù sao, văn bản Năm điều thề ước (Ngũ cá điều thệ văn) này là một sử liệu rất quan trọng. Xin xem dưới đây:
Nằm điều thề ước
- Phải quyết định mở những cuộc hội họp công khai, bàn bạc rộng rãi về mọi chuyện.
- Phải làm sao cho mọi người đều có thể tham gia bàn cãi cho trên dưới đồng thuận.
- Để thực hiện chí hướng của mọi người, trên từ văn võ cho đến thường dân luôn luôn phải một lòng một dạ.
- Gạt bỏ những tập tục hủ lậu và chỉ dựa trên công đạo của trời đất.
- Cầu học tri thức của thế giới để chấn hưng vận hội của vương thất và nước nhà.
Nhìn vào nội dung, ta thấy năm điều tuyên hứa rất rõ ràng, rất cấp tiến, khác với chủ trương của mạc phủ. Thế nhưng điều đáng tiếc là những phương châm đó chỉ là chiêu bài để kêu gọi thiện cảm của người ngoại quốc.
Đối với người dân trong nước thì ngay hôm sau khi Năm điều thề ước được công bố, đã thấy xuất hiện thêm Năm bản yết thị (Gobô no keiji = Ngũ bảng yết thị). Chỉ cần đọc sơ, chúng ta sẽ thấy nó nói ngược lại tất cà Năm điều thề ước nói trên.
Tân chính phủ đối với trong nước, đã làm giống mạc phủ ngày xưa tức là niêm yết trên 5 bảng yết thị lớn (kôsatsu = cao trát), bố cáo những gì họ đòi hỏi quốc dân phải tuân thủ. Nó đã làm lộ ra bộ mặt thật của tân chính phủ với những điều khoản như:
- Dân chúng phải triệt để gìn giữ đạo đức Nho giáo.
- Nhất quyết không tha nếu tập họp thành nhóm để đòi hỏi việc này việc nọ hay bỏ vườn ruộng đào tán đi nơi khác.
- Đạo Ki-tô là tà giáo, tuyệt đối không được tin theo.
Rõ ràng là so sánh với thời mạc phủ, tư tưởng muốn thống trị quản lý dân chúng chẳng có thay đổi mảy may.
Riêng việc bài báng đạo Ki-tô, chẳng chịu nhìn nhận nó làm cho Nhật Bản tỏ ra không xứng đáng với danh hiệu một quốc gia tân tiến. Điều đáng kinh ngạc hơn cả là chính phủ mới đã vây bắt ở thôn Urakami thuộc tỉnh Nagasaki 3.000 tín đồ Ki-tô đang lẫn trốn (họ được gọi là Kakure Kririsutan) xử phối lưu họ rải rác khắp các phiên khác.
Đến năm 1873 (Meiji 6) thì tân chính phủ mới hạ điều lệ nói về cấm đạo Ki-tô khỏi tấm biển bố cáo cho quần chúng (kôsatsu =cao trát) và mặc nhận đạo này. Bởi vì sau khi các cường quốc được tin có vụ đàn áp tín đồ ở thôn Urakami thì họ kháng nghị mãnh liệt khiến cho tân chính phủ đành thay đổi thái độ.Dù vậy, phải nhấn mạnh là tân chính phủ chỉ mặc nhận chứ không hề công nhận đạo Ki-tô. Việc tuyên cáo bảo vệ tự do tín ngưỡng thì phải đợi đến năm 1889 (Meiji 22), lúc Hiến pháp của Đại đế quốc Nhật Bản được công bố.
1.3 Quan chế của tân chính phủ:
Tháng 12 năm 1867 (Meiji nguyên niên), sau khi ra tuyên cáo Daigôrei trung hưng vương thất thì tân chính phủ bèn bãi bỏ các chức danh của mạc phủ như sesshô (nhiếp chính), kanpaku (quan bạch), lập một thể chế chính trị dựa trên “tam chức” (sanshoku) tức sôsai (tổng tài), gijô (nghị định) và san.yo (tham dự). Tháng 4 nhuận năm 1868 (Meiji 2), họ bố cáo seitaisho (chính thể thư = văn thư nói về tổ chức cụ thể của chính phủ) ra khắp nơi và chuyển hẳn qua chế độ Dajôkan (thái chính quan). Về chi tiết, xin xem bảng tóm lượt dưới đây sẽ rõ. Thế nhưng, ta đã có thể tóm tắt là quyền lực của nhà nước từ lúc này sẽ đặt trong tay các quan Dajôkan của chính phủ trung ương.Đó là một thể chế tam quyền phân lập gồm có hành pháp, tư pháp và lập pháp. Nhật Bản đã mô phỏng chế độ này từ hiến pháp của Mỹ. Lý do là lúc đầu, ảnh hưởng của tổ chức chính trị Âu Mỹ rất mạnh mẽ, nên chi việc các quan lại cao cấp hết kỳ hạn 4 năm lại phải thay đổi đã được minh định trong văn bản seitaisho (chính thể thư) đã nói. Có điều cam kết này rốt cuộc chỉ thực thi được có một lần và theo hình thức gosen (hổ tuyển) tức là chọn lựa giữa đồng bọn thường là quan liêu chứ không gọi người ngoài. Chưa kể đến việc tiếng là tam quyền phân lập nhưng biên giới giữa hành pháp và lập pháp lại khá mù mờ.
Diễn biến của tổ chức chính trị đầu đời Meiji
Thời kỳ
|
Hành pháp
|
Tư pháp
|
Lập pháp
|
Tháng 12/1867 Tuyên cáo phục hồi vương quyền (Đại hiệu lệnh)
| |||
Thời Tam Chức
|
Từ chế dộ Tam chức (Tổng tài, Nghị định và Tham dự) chuyển qua chế độ Tam chức thất khóa (khoa) vào tháng 1/1868 rồi Tam chức bát cục vào tháng 2/1868.
| ||
Tháng 4/1868 Văn bản (Chính thể thư)
| |||
Thời Thái chính quan (1)
|
Chế độ 5 hành pháp quan: Thần kỳ (chỉ) quan, Hội kế quan, Công vụ quan, Ngoại quốc quan, Dân bộ quan.
|
Hình pháp quan
|
Nghị chính quan gồm Thượng cục (Nghị định, tham dự) và Hạ cục ( Cống sĩ)
|
Tháng 7/1869 Sau khi Bản tịch phụng hoàn
| |||
Thời Thái chính quan (2)
|
Thần kỳ (chỉ) quan đứng biệt lập. Thái chính quan (với sự trợ giúp của Tả đại thần, Hữu Đại thần, Đại nạp ngôn và Tham dự) là cơ quan điều khiển 9 tổ chức (tương đương với 9 bộ): Đại tàng tỉnh, Binh bộ tỉnh, Ngoại vụ tỉnh, Dân bộ tỉnh, Đại học hiệu, Khai thác sứ, Hình bộ tỉnh, Đàn chính tỉnh, Cung nội tỉnh.
|
Hạ cục trở thành Công nghị sở rồi Tập nghị viện
(như Hạ nghị viện bây giờ)
| |
Tháng 7/1871 Sau khi Phế phiên trí huyện
| |||
Thời Thái chính quan (3)
|
Thái chính quan là cơ quan đứng trên Chính viện, Hữu viện và Tả viện (Lập pháp, Tư vấn). Cũng với sự trợ lực của một số nhân vật như trên, Thái chính quan điều khiển Thần kỳ (chỉ) tỉnh (sau là Giáo bộ tỉnh), Đại tàng tỉnh, Binh bộ tỉnh (sau chia thành Lục quân tỉnh và Hải quân tỉnh), Ngoại vụ tỉnh, Văn bộ tỉnh, Công bộ tỉnh, Khai thác sứ, Tư pháp tỉnh, Cung nội tỉnh, Nội vụ tỉnh, Nông thương vụ tỉnh, Đại thẩm viện.
|
Tập nghị viện thành Tả viện, sau lại thành Nguyên lão viện (như Thượng nghị viện bây giờ).
| |
Tháng 12 năm 1885
| |||
Thời chế độ Nội các
với Nội các tổng lý đại thần
|
Nội các tổng lý đại thần (như Thủ tướng bây giờ)
điều khiển Hành pháp gồm các bộ: Đại tàng tỉnh, Lục quân tỉnh, Hải quân tỉnh, Ngoại vụ tỉnh, Nội vụ tỉnh, Văn bộ tỉnh, Nông thương vụ tỉnh, Đệ tín tỉnh (Bưu điện), Tư pháp tỉnh.
|
Tư pháp do Đại thẩm viện chủ trì.
|
Lập pháp và tư vấn có Khu (Xu) mật viện và Đế quộc nghị hội.
Trong cung có Cung nội tỉnh và Nội đại thần.
|
Ban sơ, thành phần chính phủ gồm các nhân vật tai mắt đến từ các phiên trấn. Chính trị họ thực hiện là “công nghị chính trị”. Giseikan (Nghị chính quan) là cơ quan lập pháp, chia ra làm hai viện. Viện trên hay Jôkyoku (thượng cục) mà thành viên là các quan Gijô (nghị định) và Sanjô (tham dự). Họ vốn xuất thân từ những thành phần có thế lực trong chính phủ mới.Kakyoku (Hạ cục) hay viện dưới gồm các Kôshi (cống sĩ) do các phiên đề bạt và gữi đến. Hai viện làm việc với nhau theo chế độ hiệp nghị.
Nhân đây cũng nói thêm là danh từ Dajôkan của thời Meiji khác với từ Dajôkan hay Daijôkan của thời luật lệnh ngày xưa. Danh từ xưa này dùng để chỉ một nhân vật, danh từ mới được dùng chỉ nha sảnh, nghĩa là một chủ thể trừu tượng hơn. Viện dưới của Dajôkan (Kakyoku = Hạ cục) sang năm sau đã trở thành Kôgishô (Công nghị sở) rồi được sắp đặt lại thành ra Shuugiin (Tập nghị viện). Tiếp đến nó được mệnh danh là Sain (Tả viện) rồi sẽ được tiếp tục bởi Genrôin (Nguyên lão viện).Tư tưởng “chính trị kiểu công nghị” tức hiệp nghị giữa đại diện các phiên đã trở thành phương châm thi hành chính trị của tân chính phủ trong một thời gian dài trước khi có việc thành lập chế độ nội các vào năm 1885 (Meiji 18).
Chính trị theo lối chính thể thư (seitaisho) – nói khác đi giải thích đường lối chính phủ bằng cách ra bố cáo bằng văn bản trong thiên hạ năm 1868 như đã trình bày - chỉ sang tháng 7 năm sau đã thay đổi rất nhiều và theo chiều hướng của bộ luật Taihô. Chúng ta còn nhớ Taihô ritsuryô (Đại Bảo luật lệnh) ban hành hồi năm Taihô nguyên niên (701). Có thể nói chính trị ngày xưa ấy đã sống lại bằng hình ảnh của chế độ Daijôkan thời Meiji. Quan chế 1170 năm trước với cách tổ chức những bộ, tỉnh đều nằm dưới quyền kiểm soát của Shingikan (Thần kỳ (chỉ) quan) và Dajôkan (Thái chính quan). Rõ ràng là có một sự hồi phục hình ảnh triều đình thời cổ (tinh thần phục cổ) khi mà việc cai trị hãy còn đi đôi với việc tế tự (tế chính nhất trí) và thiên hoàng giữ địa vị trung tâm trong chính quyền (thiên hoàng thân chính). Từ đây chế độ sẽ là Nhị quan lục tỉnh chế nghĩa là 2 chức quan lớn và 6 bộ. Nó được duy trì cho đến thời điểm Nhật Bản cải tổ hành chánh toàn quốc theo đường lối Haihanchiken (Phế phiên trí huyện) nghĩa là thu hồi tất cả lãnh địa để lập quận huyện, tên các đơn vị hành chánh mới.Dĩ nhiên, dù tân chính phủ đã thay đổi bằng cách mô phỏng bộ luật Taihô nhưng chỉ là trên danh nghĩa, chứ nội dung công việc của các tỉnh, các bộ, dĩ nhiên không còn dính dáng mảy may đến công việc thời xưa nữa.
Tháng 8 năm 1868 (Meiji nguyên niên), tân chính phủ tổ chức lễ tức vị cho Thiên hoàng. Tháng 9, niên hiệu được đổi từ Keiô 3 qua Meiji 1. Từ rày về sau, mỗi Thiên hoàng chỉ dùng một niên hiệu từ lúc đăng quang cho đến lúc băng hà. Từ chuyên môn gọi cách đặt niên hiệu như thế là Gengô (nguyên hiệu) và chế độ ấy có tên là Issei ichigen no sei (nhất thế nhất nguyên chế).
Lại nữa, nhân vì thủ đô dời từ Kyôto về Edo (Tôkyô), vào tháng 3 năm 1869 (Meiji 2), Thiên hoàng đã hoàn thành việc thiên đô sau khi ngự vào thành Edo.Riêng cái tên Edo thì từ tháng 7 năm trước đó đã được đổi thành Tôkyô. Tuy là việc dời đô đã hoàn tất nhưng kỳ thực, nó không phải không gặp nhiều sự chống đối. Ví dụ như nhân vật nắm thực quyền chính trị thời đó là Ôkubo Toshimichi đã dựa vào lý do quân sự, ngoại giao để đề nghị chọn Ôsaka làm kinh đô mới. Công khanh cũng như thường dân sống ở Kyôto đều phản đối kịch liệt việc Thiên hoàng bỏ đất cũ bao đời để về miền Đông. Thế nhưng phái chủ trương chọn Tôkyô đã đưa ra lý lẽ là dời đô về Tôkyô sẽ có lợi vì trấn áp được những thế lực đối nghịch ở miền Tôhoku và Kantô một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chính phủ đã giữ ý không rình rang tuyên bố “thiên đô” (sento) nghĩa là “dời đô”, họ chỉ dùng chữ “điện đô” (tento) với cái ý “đặt lại” kinh đô.
Khi tân chính phủ lên nắm chính quyền thì tất cả chính trị cùng lúc phải đổi mới (nhất tân = isshin). Người đương thời gọi là Go isshin (ngự nhất tân). Trong chiều hướng đó, người ta mới mượn chữ Ishin (duy tân) trong sách cổ của Trung Quốc (Kinh Thi) vốn phù hợp với tình hình này. Vì cớ đó, sử gia về sau mới gọi thời ấy là Meiji Ishin (Minh Trị Duy Tân), ám chỉ giai đoạn bắt đầu từ cuối đời mạc phủ khi có phong trào “tôn quân nhương di” cho đến lúc công cuộc “phế phiên trí huyện” hoàn tất./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét