Trong lịch sử cổ - trung đại Việt
Nam có nhiều cuộc cải cách, đổi mới, nhưng cải cách tài chính thì chỉ có một,
đó là cuộc cải cách của Trịnh Cương (1716-1729).
Cải cách diễn ra trong bối cảnh lịch
sử nửa đầu thế kỷ XVIII, xã hội Đại Việt đang vận hành theo xu thế chung của thời
đại: đẩy mạnh quá trình tư hữu hóa ruộng đất, tăng cường kinh tế hàng hóa, tiền
tệ, phát triển công (chủ yếu là thủ công nghiệp), thương (kể cả nội ngoại
thương) đưa đất nước tiến lên. Nhưng khó khăn là rất lớn, vì sự trì trệ bảo thủ
của nền tảng kinh tế phong kiến phương Đông Nho giáo và cuộc khủng hoảng toàn
diện đã diễn ra từ cuối thế kỷ XVII sau hơn 100 năm nội chiến (1527-1672).
Trịnh Cương kế ngôi chúa năm 1709
khi đất nước vừa chấm dứt thời kỳ nội chiến kéo dài hơn 100 năm, nhưng hậu quả
chiến tranh để lại vô cùng nặng nề. Nông nghiệp sa sút, đê điều ít tu bổ, thiên
tai và sâu bệnh phá hại mùa màng liên tiếp xảy ra, đói khổ triền miên, nông dân
phiêu tán.
Trịnh Cương sớm nhận thức ra khâu
chủ yếu cần giải quyết là kinh tế tài chính. Tư duy cải cách được bộc lộ trong
“Phong niên vịnh” của ông năm 1721: “Rút bớt những sự lộng lẫy, xa hoa. Bỏ hẳn
những việc phiền nhiễu, hà khắc. Hiểu rõ đạo lý, răn đừng kiêu căng tự mãn và
khuyên nên chuộng điều tiết kiệm. Trước phải xén bớt của những kẻ có nhiều,
thêm vào cho những người có ít...” (Ngô, Cao Lãng “Lịch triều tạp kỷ”, tr. 38).
Để đi đến cải cách trước hết phải
thực hành "Biến pháp" gồm 10 điều nhằm chỉnh đốn kỷ cương phép nước,
tu bổ đê điều, chỉnh đốn lại việc thi cử; việc trị nhậm của các quan chức các tỉnh
biên cương; tha các tù tội nhẹ đang bị giam giữ; thuế má không tận thu vì dân
thiếu đói; đình hoãn việc bắt phu làm việc; phát chẩn và cấp đỡ cho dân đói
kém; định lệ cứ ba năm khảo công một lần để định việc thưởng phạt; khắc phục
tình trạng bang giao với Trung Quốc còn phiền hà.
Trong quản lý kinh tế thì thực
hành ngay 2 biện pháp lớn:
1. Định lại thể lệ quân cấp công
điền: “Người được hưởng phần ruộng, từ quan viên đến người quan, quá, cô, độc
và phế tật đều được tùy theo suất số mà liệu lượng cấp cho phần ruộng. Những ruộng
ẩn lậu còn ở ngoài sổ điền vẫn được miễn thuế, cũng đem quân cấp cho dân...”
(Cương mục, sđd tr. 85-86). Ưu đãi giới viên chức, quan liêu bằng việc tăng
thêm phần ruộng cho các quan lại, binh lính và khi có việc “do quan dịch nặng nề
bức bách" thì “cho phép bán ruộng công khẩu phần” tức mở rộng diện cho sự
tấn công của chế độ sở hữu tư nhân vào ruộng công, tăng cường xu thế tích tụ ruộng
đất.
2. Cấm quan viên thiện tiện lập
trang trại, khuyến khích dân phiêu tán khẩn hoang. Cụ thể là nghiêm cấm việc lấn
chiếm trái phép để thu hồi đất công, phân lại ruộng đó cho dân phiêu tán khẩn
hoang nhằm phát triển tư hữu nhỏ của nông dân.
Sau 7 năm thi hành các biện pháp
trên mới tiến hành cuộc cải cách tài chính, gồm 10 hạng mục:
1. Xóa bỏ phép binh lệ, làm lại sổ
hộ, bỏ tên người đã chết, thêm số người đến tuổi vào sổ hộ để chịu thuế.
2. Định phép chia đều thuế khóa
và tạp dịch cho cả dinh và điền.
3. Đánh thuế ruộng tư.
4. Thu thuế khai thác và tiêu thụ
đồng, quế, muối.
5. Giảm bớt viên chức để giảm bớt
chi lương bổng.
6. Thi hành phép đánh thuế tô
(thuế ruộng), dung (thuế thân), điệu (thuế sai dịch).
7. Đặt thêm sở tuần ty ở các trấn
để tận thu thuế thương nghiệp.
8. Thu thuế các loại thổ sản
khác.
9. Thu thuế đất ở đô thị.
10. Định ra các thể lệ giảm, miễn
thuế...
Ngoài cải cách tài chính, Trịnh
Cương còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho cải cách như:
- Định rõ lệnh cấm uống rượu.- Định
phép khảo công để đối với viên quan ở các trấn, ty để thi hành việc giáng truất
hay cất nhắc.- Hạ lệnh cho nhân dân được phép ca tụng hoặc chê bai việc tốt hoặc
xấu của quan lại.- Hạ lệnh giải tán binh quyền vì “các thân thuộc họ Trịnh giữ
binh quyền trọng đại quá e sẽ sinh biến”.Cải cách tài chính của Trịnh Cương đã
đem lại một số thành quả là:- Tạm thời giải quyết được khó khăn về tài chính, ổn
định được tình hình, củng cố được kỷ cương, trật tự xã hội sau hơn 100 năm nội
chiến.- Giảm bớt được nạn đói khổ cho nông dân, có năm được mùa.- Tăng cường
thêm một bước phát triển xã hội theo xu thế chung của thời đại là: thúc đẩy quá
trình tư hữu hóa ruộng đất, phát triển kinh tế hàng hóa tiền tệ, tăng cường thị
trường nội địa để phát triển ngoại thương.
Nhưng mặt khác thì thuế khóa còn
quá nặng nề chưa khoan thư được sức dân sau chiến tranh, những khó khăn cơ bản
của xã hội chưa được giải quyết. Nguyên nhân chính vẫn là chưa tìm được giải
pháp thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện mà cải cách tài chính của Trịnh
Cương chỉ là một giải pháp tình thế chưa giải quyết được tận gốc của các mâu
thuẫn cơ bản của xã hội.
GS. VĂN TẠO (BÁO QUẢNG NAM); http://lichsu.tnus.edu.vn/chi-tiet/439-nhung-nhan-vat-cai-cach-trong-lich-su-7---Trinh-Cuong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét