Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

BIÊN NIÊN TIỂU SỬ PHAN CHÂU TRINH (9-9-1872--24-3-1926)


A.GIA THẾ, THỦA NHỎ VÀ THỜI KỲ HỌC CỬ NGHIỆP
Con nhà gia thế: Ông nội là bá hộ, cha là một võ quan nhỏ, đã gia nhập bộ chỉ huy Nghĩa hội Cần Vương của tỉnh. Mẹ mất sớm, được cha đưa vào rèn luyện ở Chiến Khu. 15 tuổi Nghĩa hội tan rã, cha chết thảm. Về nhà chuyên tâm học văn quyết giành khoa bảng để có vị thế trong xã hội. Từ nhỏ và thời kỳ đi học đã tỏ ra có chí khí đặc biệt. Sớm kết giao với nhiều nhân vật kiệt xuất.
Năm 1872: Sinh ngày 9-9-1872 tại làng Tây Lộc nguyên thuộc tổng Vĩnh Qúy, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam. Nay là thôn 5, xã Tam Lộc, thị xã Tam Kỳ, nay là huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Con trai thứ 3 cụ Phan Văn Bình là một võ quan nhỏ (Quản cơ Sơn phòng) và bà Lê Thị Chung một phụ nữ có nho học, cô ruột ông Lê Cơ.
Năm 1880 (8 tuổi): Học chữ ở nhà với mẹ. Mẹ qua đời khi em gái út mới 2 tuổi. Trong lúc chưa có mẹ kế ông phải trực tiếp trông nom em. Khi có báo động cõng em theo bà con vào rừng lánh giặc, ông đã tỏ ra dũng cảm, có nghị lực và mưu trí.
1885(13 tuổi): Kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, kêu gọi Cần vương, Cụ Phan Văn Bình ra làm chuyển vận sứ lo lương thảo cho nghĩa hội Cần vương Quảng Nam. Ông được theo cha lên núi học võ, tập săn bắn trong hai năm, thường ở đồn Kim Khoáng A Bá(miền nguồn huyện Tiên Phước).
1887(15 tuổi): Cha bị thảm sát, ông trở lại quê nhà, năm sau tiếp tục học tại làng (học ông Bùi Giám một túc nho ở Tây Lộc trong 4 năm).
1892(20 tuổi): Học ở trường ông Phạm Mẫn (gọi là ông Cử An Tráng). Kết giao với Huỳnh Thúc kháng.
1893(21 tuổi): Học với ông Huấn Lộc Sơn tại Cẩm Y.
1894(22 tuổi): Thi khoa đầu, hỏng trường nhì. Chiến tranh Trung Nhật.
1895(23 tuổi): Nhật thắng Trung Quốc. Phan Đình phùng bị Pháp tiêu diệt. Tiếp tục việc học với ông giáo Lương Sơn tại Phủ Thăng Bình, rồi tiếp tục học với ông Huấn Lộc Sơn.
1896(24 tuổi): Học với ông Nghè Xuân Đài ở Phủ Thăng Bình. Thành hôn với bà Lê Thị Tỵ ở An Sơn(Tiên Cảnh)gần quê Huỳnh Thúc Kháng(bà Tỵ sinh năm 1877 mất năm 1915).
1897(25 tuổi): Thi hỏng trường 3. Học ở nhà. Sinh Phan Châu Dật(mất năm 1921).
1898(26 tuổi): Học với cụ Đốc Mã Sơn (Trần Đình Phong), được bổ vào nghạch học sinh trường tỉnh. Kết giao với Trần Qúy Cáp.
1900(28 tuổi): Đậu cử nhân thứ 3 cùng khoa với Hùynh Thúc Kháng và Phan Bội Châu.
1901(29 tuổi): Đậu Phó bảng cùng khoa với Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Huy, Sinh Phan Thị Châu Liên.
B. THỜI KỲ HỌAT ĐỘNG TRONG NƯỚC (Từ 1903 đến tháng 11-1911)
I. LÀM MỘT CHỨC QUAN NHỎ TẠI TRIỀU ĐÌNH HUẾ
Đọc sách mới - xác định hướng duy tân, phản bác Phan Bội Châu, liên kết với Trần Qúy Cáp và Huỳnh Thúc Kháng.
Triển khai vận động duy tân ở Quảng Nam và Phan Thiết.
Năm 1902(30 tuổi): Cư tang anh cả Phan Văn Cừ 1 năm, không nhận bổ nhiệm.
Đọc sách mới và tác phẩm Nguyễn Lộ Trạch do Đào Nguyên Phổ ở Huế cho mượn.
Năm 1903 (31 tuổi): Ra Huế. Làm thừa biện Bộ Lễ. Tiếp tục đọc "sách mới" mượn của Đào Nguyên Phổ và Thân Trọng Huề. Ảnh hưởng lớn nhất là các tác giả Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu nói về tự do dân quyền ở Tây Âu.
+ Làm thơ tả cảnh vật và triều đình Huế, nói lên tâm trạng chán ngán với triều đình và đau xót vận nước.
+ Kết giao với Phan Bội Châu từ Nghệ An vào. Mến phục nhiệt thành yêu nước nhưng bác mạnh thuyết bài ngoại và bạo động. Cụ Phan Bội Châu vẫn kiên định chủ trương, vào Quảng Nam kết giao với Tiểu La Nguyễn Thành, đi đến tổ chức bí mật, dựng cờ quân chủ, vận động viện trợ của Nhật, đưa thanh niên đi học Nhật (Đông Du) nhằm bạo động đánh Pháp. Ban đầu lấy tên là Duy Tân hội. Phan Châu Trinh chỉ ủng hộ Đông Du để đào tạo nhân tài. Ông chủ trường chưa vội bạo động mà vận động một "Phong trào duy tân" công khai nhằm tự lực khai hóa theo hướng dân quyền, nâng cao trình độ nhân dân mọi mặt, xây dựng nội lực quốc dân, buộc địch phải từng bước nới rộng chính sách cai trị. (Ngầm hiểu sẽ tiến đến giành độc lập cho đất nước trong tương lai không xa).
+ Vận động trong quan trường tại Huế không kết quả. Viết truyện "Người lương dân". Trong năm này Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp cũng ra Huế đọc sách mới.
Chuyển hướng vận động duy tân về Quảng Nam.
Năm 1904 (32 tuổi): Huỳnh Thúc Kháng và Trần Qúy Cáp đỗ tiến sĩ nhưng không nhận bổ nhiệm. Thắt chặt quan hệ bộ 3 Phan - Huỳnh - Trần làm nòng cốt, triển khai vận động duy tân tại Quảng Nam. Biết rõ hoạt động của Bội Châu và Nguyễn Thành, chỉ tán thành Đông Du, không tham gia các hoạt động khác nhưng không cản trở và tuồng như có ước hẹn sẽ cùng đi thăm Nhật.
- Chiến tranh Nga Nhật.
- Cuối 1904 ông Trinh từ quan về Quảng Nam.
+ Bộ ba đẩy mạnh phong trào duy tân ở Quảng Nam cùng với Lê Cơ, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyện vv...Nhanh chóng lập hội học, hội buôn, hội diễn thuyết vv...đặc biệt phát triển nhiều trường dân lập.
Sinh Phan Thị Châu Lan (1904-1943).
1905 (33 tuổi) : Nhật Thắng Nga.
Vào Phan Thiết: Yên tâm về tình hình phát triển duy tân ở Quảng Nam đã được nhiều nhân sĩ lo, bộ ba vào thăm Bình Thuận, nơi có nhiều sĩ phu tiến bộ đã từ Nam Kỳ ra lập nghiệp.
+ Ghé thăm trường thi Bình Định, làm thơ "Chí thành thông thánh" và phú "Danh sơn Lương Ngọc" đả kích tệ khoa cử từ chương nhằm thức tỉnh sĩ phu.
+ Đến Canh Ranh xuống xem hạm đội Nga, thấm thía mức độ lạc hậu của đất nước.
- Đến Phan Thiết gặp các nhân sĩ Nguyễn Trọng Lợi, Hồ Bá Bang, Trần Lệ Chất vv...Huỳnh và Trần về trước, Phan ở lại tổ chức Hội Học (trường Dục Thanh); Hội Thương (Công ty Liên Thành), đặt nền móng cho cơ sở duy tân ở vùng này.
+ Có ý định vào Nam Kỳ nhưng do người tiền trạm thất hứa, mặt khác được tin Phan Bội Châu sang Nhật đã trở về...Tháng 12 tức tốc về Quảng Nam cùnh Huỳnh, Trần và Nguyễn Thành bàn chuyện đi Nhật.
II. RA BẮC VÀ ĐI NHẬT
- Kết giao các nhân sĩ Bắc Hà và những người Pháp tiến bộ, thăm Đề Thám.
- Đi Nhật trong hai tháng.
- Về Quảng Nam viết thư ngỏ cho Chính phủ Pháp.
- Ra họat động ở Hà Nội.
1906 (34 tuổi): Ra Bắc và đi Nhật:
- Ra Hà Nội gặp Đào Nguyên Phổ, Lương Văn Can, Vũ Hoành...trở vào Nghệ An gặp Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn...
- Trở ra Yên Thế (Thái Nguyên) gặp Đề Thám để đánh giá triển vọng công cuộc vũ trang chống Pháp...
- Xuống Hải Phòng tìm gặp Lý Tuệ, cải trang làm người đốt than trên hòa Thuyền Ái Vu, sang Hương Cảng. Đến Quảng Châu gặp Phan Bội Châu đã đón Cường Để về ở nhà Lưu Vĩnh Phúc. Cùng sang Nhật, tháng 3 đến Hoành Tân.
- Đi Đông Kinh thăm một số cơ sở giáo dục kinh tế, chính trị ở Nhật trong 2 tháng, thấm thía trước tiến bộ vượt bậc của Nhật và các yêu cầu của phong trào duy tân. Tháng 6 trở về Hà Nội.
Ở lại Hà Nội 2 tháng 7 và 8: Tiếp xúc với các nho sĩ tiến bộ, bàn việc lập Đông Kinh Nghĩa Thục.
- Làm quen với những người Pháp thiện chí trong đó có kí giả tiến bộ Babut chủ nhiệm tờ "L'An Nam - Đại Việt Tân Báo" bằng chữ Hán.
Tháng 9 về Quảng Nam, viết "thư gửi chính phủ Pháp" ghi ngày 1-11-1906. Cử Phan Khôi và Mai Dị đem ra Hà Nội trao cho Babut, nhờ chuyển cho trường Viễn Đông Bác Cổ. Học giả Huber dịch ra tiếng Pháp rất hay và đăng luôn vào tập san tháng 7-1907 của trường. Có tiếng vang lớn, kể cả nước Pháp.
Năm 1907 (35 tuổi): Tiếp tục đẩy mạnh vận động duy tân ở Quảng Nam với trọng tâm là phát triển giáo dục. Tranh thủ gặp Công Sứ Pháp ở Hội An, được nhất trí cho tự do mở trường học. Viết "Người An Nam nên học chữ Pháp" và "Một đoạn đối thoại với cố đạo ở Phước Kiều".
Ra hoạt động ở Hà Nội theo yêu cầu của bạn bè (khoảng giữa 1907)
+ Thay Đào Nguyên Phổ làm Tổng biên tập báo "L'An Nam - Đại Việt Tân Báo" của Babut. Viết "Một viên lý trưởng sáng suốt" và "Hiện trạng vấn đề" vv...
+ Giảng dạy Đông Kinh Nghĩa Thục. Sáng tác "Tinh quốc hồn ca I".
+ Đi diễn thuyết và vận động duy tân ở miền Bắc.
+ Tiếp cận với nhiều người Pháp tiến bộ qua giới thiệu của Babut.
+ Giao thiệp với nhiều nhân vật nổi tiếng, vận động duy tân: Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn vv... và cả Kinh lược Hoàng Cao Khải.
III.BỊ BẮT Ở HÀ NỘI, XỬ ÁN Ở HUẾ, BỊ ĐÀY ĐI CÔN ĐẢO HƠN 2 NĂM
- An trí ở Mỹ Tho.
- Xin đi Pháp.
Năm 1908 (36 tuổi): Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa. Đại Việt Tân Báo bị đình bản nhưng ông Trinh vẫn tiếp tục ở Hà Nội, ngụ ở 13 Hàng Gai là Tòa soạn của báo.
Bị bắt và đày đi Côn Đảo: Tháng 3 phong trào biểu tình kháng sưu thuế nổ ra ở Quảng Nam và lan ra nhiều tỉnh ở miền Trung.
- Khâm sứ Trung Kỳ khẳng định vụ dân biến trên là do phong trào duy tân kích động, điện ra Hà Nội yêu cầu bắt gấp ông Trinh. Ngày 31-3 bị bắt giải xuống Hải Phòng, theo đường thủy về Huế, giao cho phủ Phụ Chánh xử với yêu cầu "trảm quyết". Nhờ thiện chí của các vị đường quan như Cao Xuân Dục, Lê Trinh, chỉ bị án đày chung thân ở Lao Bảo. Toàn quyền can thiệp đổi lại "đày Côn Đảo".
- Rời Huế ông tức cảnh bài thơ "Biệt đô môn" nổi tiếng. 24-4 ra Côn Đảo. Chỉ ở lao đến tháng 8 thì do tác động của Liên minh Nhân quyền (Babut vận động) nên được đưa ra giam lỏng ở làng An Hải, phải tự kiếm sống bằng nghề đồi mồi và câu cá. Trần Đình Phiên gởi tiền ra giúp.
Làm các bài thơ tả cảnh Côn Đảo, cảnh đập đá vv..
Liên hệ với các bạn tù ra sau, trao đổi kinh nghiệm và xướng họa.
Năm 1909 (37 tuổi): Tiếp tục bị giam lỏng ở làng An Hải. Cuối 1908 và trong năm 1909 Trần Đình Phiên làm ở công ty Liên Thành, Phan Thiết đã tổ chức người đi thuyền đánh cá ra đảo bí mật liên hệ thư từ. Tháng 11 Thống đốc Nam Kỳ Outrey ra đảo trực tiếp gặp nhưng làm báo cáo thiếu thiện chí. Cuối năm được thư Babut báo có khả năng sẽ được tha về...Ông Trinh xác định ngay ý định vận động đi Pháp.
Năm 1910 (38 tuổi): Có ý định lấy thông tin từ các bạn tù để chuẩn bị tài liệu đi Pháp. Lập kế "bất tuân" để hương chức An Hải "trả vào ngục" ngày 12-1. Nhưng do Toàn quyền và Thống Sứ ngại đấu tranh của Liên minh Nhân quyền nên chỉ 10 ngày sau lại có lệnh bố trí ra ở trại heo: câu cá nước ngọt và làm mỹ nghệ đồi mồi để sống, liên hệ với bạn tù dễ dàng hơn, lấy được nhiều thông tin. Cùng sáng tác "tuồng Trưng Trắc" diễn vào dịp Tết.
- Giữa năm 1910 được tha về đất liền. 22-6-1910 đưa về Sài Gòn. 24 và 25-6 đưa ra 2 phiên Hội đồng thẩm vấn rồi được tuyên bố "trả tự do" nhưng an trí ở Mỹ Tho, dưới quyền của công sứ Couzineau có thiện cảm, có ý che chở.
Viết thư đòi các "của riêng" còn để lại ở trại heo Côn Đảo.
- Yêu cầu xin cho "đi xem" nước Pháp và cho con trai 12 tuổi đi học, được chấp nhận.
- Tại Mỹ Tho:sống ở nhà ông Bộ Vân (Nguyễn Tử Vân) nhà nho yêu nước ở gần cầu Dỹ, chăm sóc chu đáo, nhiều người đến trao đổi.
- Ngày 5-9 Trần Đình Phiên đưa bà Phan Châu Trinh vào thăm và con trai Phan Châu Dật vào để đi Pháp.
- Đã chuẩn bị sẵn các phác thảo "Trung Kỳ dân biến tụng oan" "Đông Dương chính trị luận" "Tài liệu về sưu thuế".
- Nhận được 3 thư từ Côn Đảo của Ngô Đức Kế, Nguyễn Thành và Lê Bá Trinh. Được nhiều bạn bè bí mật đến thăm viếng và cung cấp thông tin.
Năm 1911 (39 tuổi): Có nhiều khả năng trong những ngày đầu tháng 3 năm này cụ Sinh Huy đã đưa Nguyễn Tất Thành bí mật vào gặp để trao đổi kế hoạch đi Pháp và gởi gắm con cho bạn. 25-3 cùng con trai Phan Châu Dật lên Sài Gòn và 1-4 xuống tàu đi Pháp. Có thư Ký Phủ Toàn quyền Trần Văn Đẩu đi theo.
C. MƯỜI BỐN NĂM Ở PHÁP (Từ 27-4-1911 đến 29-5-1925)
I. VẬN ĐỘNG CHÍNH TRỊ TẠI PARIS
- Trực tiếp vận động cầm quyền chóp bu thuộc địa không kết quả.
- Dựa vào trí thức người Việt yêu nước Phan Văn Trường, đánh động dư luận Pháp về bất công ở thuộc địa, được Liên minh Nhân quyền Pháp giúp vận động giải thóat được bạn tù.
- Cùng với ông Trường khai sinh phong trào người Việt yêu nước tại Pháp. Giữ liên lệ với Tất Thành.
- Gióng lên tiếng nói đầu tiên tố cáo chế độ thuộc địa ra dư luận Pháp.
Ông Roux được Bộ Thuộc địa cử đến liên hệ. Ngày 25-5 Bộ Trưởng Thuộc địa và tân Toàn quyền Albert Sarraut tiếp, Roux phiên dịch. Đưa 5 kiến nghị yêu cầu sửa đổi chế độ cai trị và ân xá tù chính trị. Xây dựng tình cảm kết nghĩa anh em với Roux, nhưng không đạt được kết quả nào từ phía Chính phủ Pháp.
- Được sự giúp đỡ nhiệt tình của một số người Việt yêu nước: Phan Văn Trường phụ giảng tiếng Việt ở trường ngôn ngữ Phương Đông; Bùi Kỷ học ở trường Thuộc địa gần nơi ông Trinh ở; Nguyễn Như Chuyên học sinh trường Jules Ferry...mở rộng vận động trong dư luận Pháp về những bất công ở Thuộc địa.
- 17-7 trả lời phỏng vấn báo Thời đại (Le Temps) về tình hình cai trị ở Việt Nam, Nguyễn Như Chuyên dịch.
- Tiếp xúc với một số trí thức Pháp, cung cấp tư liệu cho Emile Fabre Giám đốc nhà hát Vaudeville soạn vở kịch "Những con châu chấu" công kích Tây thuộc địa. Được ông Roux đưa đến xem buổi công diễn đầu tiên ở Vaudeville. Người Việt đến xem đông vỗ tay nhiệt liệt...Bộ Thuộc địa tức tối, tìm cách ngăn cản hai ông Phan tiếp xúc người Việt và người Pháp tiến bộ.
Tất Thành đến Le Havre đã đến tìm ông Trinh và gặp gỡ những người yêu nước khác.
Tuồng như ông Trinh đã tự xác định: ngoài cuộc vận động của bản thân, ông còn có trách nhiệm giúp đỡ để Tất Thành sớm trở thành một trụ cột của lực lượng yêu nước.
Dật được kèm cặp tốt, vào học trường làng Montparnasse, ngay niên khóa 1911-1912 đã được phần thưởng, các năm sau đứng đầu lớp.
Năm 1912 (40 tuổi): Cùng với ông Trường thành lập tổ chức đầu tiên của người Việt yêu nước tại Pháp "Hội đồng bào thân ái", ra mắt ngày 18-1-1912 tại trường Parangon nơi có 40 học sinh Việt Nam. Phan Văn Trường chủ tịch, Nguyễn Như Chuyên thư ký (sau Bùi Kỷ thay), Khánh Kỷ thủ quỹ.
Cùng với ông Roux gửi thư cho Lương Văn Can ngày 10-3-1912 bị soát lấy ở Hà Nội, thư gửi cho bạn tù ở Côn Đảo cũng bị phát hiện.
- Thấy rõ Sarraut chỉ hứa hão, ông Trinh chuyển sang tích cực tác động qua Liên minh Nhân quyền để giải thoát cho các bạn ở tù trong nước. Bản "Trung Kỳ dân biểu tung oan" bằng Hán văn đã được ông Trường dịch ra Pháp văn, được Liên minh Nhân quyền chỉnh biên lại thành văn kiện "Những cuộc biểu tình năm 1908 - yêu cầu ân xá." Chủ tịch Liên Minh đã chuyển cho Bộ Thuộc địa, kèm thư gửi qua Toàn quyền Đông Dương đồng thời đăng vào tập san tháng 10-1912 của Liên minh để tạo sức ép mạnh...
- Để giáo dục tinh thần yêu nước cho lớp trẻ, tập truyện dài "Giai nhân kỳ ngộ" đã được bắt đầu phóng tác bằng thơ lục bát.
- Tháng 8-1912 ông Trường cùng Khánh Ký đi Anh, có đem về thư và "các" của Tất Thành gửi ông Trinh.
- Do các hoạt động yêu nước, cuối năm ông Trường bị mất chỗ làm. Ông Trinh bị ép "đi chơi ngoài Paris" nhưng ông chống lại, vẫn tiếp tục gặp gỡ lớp trẻ, trao đổi thư với Tất Thành ở Anh.
Năm 1913 (41 tuổi): Tiếp tục vận động ân xá cho các bạn tù, được sự ủng hộ của Liên minh Nhân quyền ở Pháp, phối hợp với Babut trong chi nhánh Liên minh ở Hà Nội. Kết quả khá: một số được ân xá, nhiều người được giảm án.
- Do ông Roux môi giới và ông Trường phiên dịch, báo "Le Journal" đã phóng vấn về vụ nổ bom ở Hà Nội. Tiếp tục mở rộng quan hệ với báo chí và giới trí thức Pháp, tố cáo chế độ Thực dân.
- Viết bài cải chính báo "Hải lục quân Trung Quốc" đưa tin "Đào mả vua Tự Đức do Đảng Thanh Niên An Nam". Nhằm bảo vệ những người hoạt động trong nuớc.
- Viết báo trả lời nhà báo Jean Rhodes đả kích ông trên báo "Le Temps".
- Tháng 10-1913 viết trả lời Roux "tán thành mộ lính thuộc địa sang tham chiến ở Pháp để tạo điều kiện đòi đến đáp".
- Gần cuối năm Trương Duy Toản sang Pháp chuyển thư của Cường Để, thư và Tỏan đều được đưa đến nộp cho Bộ Thuộc địa?
- Chuyển Phan Châu Dật về học nội trú ớ Melun.
II. HAI VỊ HỌ PHAN BỊ BẮT GIAM TRONG 10 THÁNG GIỮA CHIẾN TRANH (TỪ 14-9-1914 ĐẾN 16-7-1915)

Năm 1914 (42 tuổi) : Nước Pháp chuẩn bị chiến tranh, tổng động binh. Các bạn thân người Pháp thì ông Roux vào pháo binh ở Tarbes vùng cực nam; ông Moutet ở Vosges phía Tây nước Pháp. Cả nước chuyển sang chế độ quân quản, Paris đặt dưới quyền Hội đồng quân sự do một Tướng Thống lãnh, trực tiếp với Bộ Quốc phòng.
- Đầu tháng 8-1914 chiến tranh nổ ra ác liệt. Ngày 22-8 Bộ Thuộc địa gửi văn bản thông báo cho Bộ Quốc phòng về hành động khả nghi của 2 ông Phan "đã kích động thanh niên Việt Nam và đưa họ vào một tổ chức có mầm mống phản loạn".
- Sở Mật thám Trung ương liền cho soát nhà cả hai ông. Riêng ở nhà ông Trinh (16 Cujas) bắt được nhiều thư quốc ngữ và chữ Hán. Bộ Thuộc địa báo là các tài liệu này rất khả nghi, đặc biệt là thư của Tất Thành và của Nguyễn Như Chuyên có biểu hiện chống Pháp mạnh mẽ.
- Ngày 14-9 có lệnh bắt cả hai ông: ông Trinh vào lao Santé, ông Trường vào lao Cherche Midi. Về sau bắt thêm ông Chuyên. Lúc bắt ông Trinh, họ dụng ý đánh đập để uy hiếp tinh thần, nhưng ông vẫn bình tĩnh và tin mình vô tội.
+ Trong lao làm thơ lạc quan về cảnh tù, gom thơ cũ vào "Tây Hồ thi tập" và sáng tác hàng trăm bài mới vào "Santé thi tập".
Năm 1915 (43tuổi): Chiến tranh tiếp diễn, Phan Châu Trinh vẫn bị giam ớ santé và Phan Văn trường ở lao Cherche Midi cho đến 16-7-1915.
- Sĩ quan tòa án binh được đào tạo có bài bản, không chịu kết án tùy tiện theo sức ép của Bộ Thuộc địa mà yêu cầu phải đủ chứng cớ pháp lý. Đầu 1915 Toàn quyền Đông Dương báo gửi hồ sơ bổ sung nhưng thực ra chỉ có vụ Cường Để qua Châu âu gửi thư và các thư ông Trinh gửi cho bạn tù ở Côn Đảo. Phần ông Trường thì chỉ có câu ông "cầu mong cho nước mình sớm có ngày 14-7 " (cách mạng Pháp) trong thư gửi cho anh ở Hà Nội.
- Tháng 3-1915 ông Roux liên tiếp gửi thư xin vào thăm bạn, Thẩm phán không những không cho còn dọa dẫm ông Trinh, làm ông phẫn nộ viết đến 7 lá thư phản kháng và chất vấn cực kỳ gay gắt. Ông cũng viết thư cho nghị sĩ Moutet và hướng dẫn cách ứng xử cho Dật, dự kiến cả khả năng bị thủ tiêu trong tù...\
- Nguyễn Như Chuyên lúc đầu bình tĩnh, sau loạn trí khai báo lung tung, buộc tội cả hai ông Phan, nhưng bị hai ông kiên quyết bác bỏ. May thay sau đó bệnh viện tâm thần đã xác nhận Chuyên bị loạn trí, do đó lời khai không có giá trị.
Hai vị họ Phan được trả tự do: Nhờ dũng khí và mưu lược của hai vị họ Phan. Đặc biệt ta còn có được bản thảo 7 bức thư nảy lửa của ông Trinh gửi quan ba Thẩm phán Caron và thư từ trao đổi giữa Moutet và Roux với ông Trinh trong nhà lao. Cuối cùng do đó can thiêp của Hạ nghị sĩ Moutet lên đến thủ tướng Pháp, cả 2 ông được tuyên bố trắng án và đươc trả tự do ngày 16-7-1915.
Trước đó có tin bà Trinh đã qua đời tại quê nhà, cha con vô cùng đau đớn. Ông Roux thương xót bạn viết thư an ủi có nội dung đả kích Thẩm phán và Tòa án Binh,đã bị thi hành kỉ luật.
III. NHÓM YÊU NƯỚC CHUYỂN PHƯƠNG HƯỚNG VÀ ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG, THÍCH NGHI VỚI HOÀN CẢNH MỚI

- Chuyển hoạt động vào bí mật, về vùng Tây Nam nước Pháp có đông binh lính Việt Nam, gần nơi làm việc của ông Trường.
- Ông Trinh phụ với Khánh Ký mở 3 quán cơm An Nam, có khả năng Tất Thành đã sang để được ông Trường bồi dưỡng.
- Ông Trinh bị bệnh nặng về Paris chữa trong hai tháng rưỡi, Dật nghỉ học đi làm nuôi cha.
- Dật phát bịnh lao.
- Ông Trinh tích cực xin về nước không được.
Số lượng người Việt tại Pháp tăng vọt với ngót 10 vạn thanh niên được mộ sang phục vụ chiến tranh. Vùng Tây Nam nước Pháp có nhiều xưởng quân giới và quân nhu dùng nhiều lính thợ Việt Nam. Ra tù ông Trường được đơn vị cũ phân công đi làm phiên dịch và dạy tiếng Pháp cho binh lính Việt Nam ở Sở đạn Toulouse. Bất chấp mọi phản đối từ Bộ Thuộc địa, ông Trường đã tiếp tục làm việc ở đấy trong suốt 2 năm, cho đến sau hiệp ước đình chiến tháng 11-1918. Ta thấy cả Nhóm yêu nước chuyển mọi hoạt động vào bí mật, tập trung về vùng Tây Nam nước Pháp, xa mặt trận, có đông lính thợ Việt Nam và gần nơi ông Trường sống và làm việc.
* Đón Tất Thành từ Anh sang Pháp
- Có nhiều chứng cứ cho thấy có khả năng họ đã bí mật lập kế hoạch đón Tất Thành sang Pháp nhằm bồi dưỡng và đào tạo, để đủ khả năng họat động lâu dài ở Pháp.
- Ông Trinh bị Bộ Thuộc địa cắt trợ cấp, chỉ lưu cho Dật 100f không đủ sống, ông đã tự xoay sở bằng nghề chấm sửa ảnh do Khánh Ký dạy. Trở thành người tự do, ông di chuyển giữa Paris và vùng Tây Nam nước Pháp.
+ Ngày 25-7 Khánh Ký đã gặp Salles, bảo thủ nhất trong Bộ Thuộc địa, xin mở quán cơm An Nam "vì nghề ảnh ế ẩm quá". Salles khuyên "không nên" nhưng cũng không cấm.
- Sau này theo báo cáo của Josselme kiểm soát vùng Marseille thì "Khánh Ký đã hợp tác với Phan Châu Trinh và một người tên Hai Thy mở 3 quán cơm An Nam tại Bordeaux, Castres và Tarbes". 3 nơi đều không xa nơi làm việc của ông Trường, lại có đường biển hoặc đường bộ dễ thoát ra khỏi nước Pháp.
- Về thời điểm Tất Thành từ Anh sang Pháp thì "Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" ghi rõ: "Người đã sang Pháp vào lúc chiến tranh ở vào giai đoạn ác liệt nhất". Người đã viết thư 2 tháng sau đó báo "Đã gặp Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và những người khác ... "
- Sau này có nhiều dấu hiệu cho phép phỏng đoán. Tất Thành khoảng cuối qúy 3-1916 đã từ Anh sang Pháp tạm trú tại các quán cơm An Nam này cho đến hết chiến tranh (cuối 1918). Tất Thành đã được sự bồi dưỡng có hiệu quả đặc biệt của ông Trường, sự bảo vệ chu đáo và cẩn mật của những người yêu nước.
Năm 1917 (45 tuổi): Trong hoàn cảnh chiến tranh tiếp diễn, ông Trinh vừa thực sự làm nghề chấm sửa ảnh để có bình phong hợp pháp, có tiền giúp con ăn học, vừa tham gia điều hành quán cơm và tổ chức bảo vệ Tất Thành, đồng thời là con thoi đi lại giữa Tây Nam và Paris, gần nơi con trai học...Quá vất vả, đầu tháng 3-1917 ông Trinh phát bệnh nặng về Paris nằm bệnh viện Cochin trong 2 tháng rưỡi với chế độ miễn phí dành cho người nghèo. Không muốn nhờ vả bạn bè (đều khó khăn trong chiến tranh), ông chỉ nhờ ông Roux liên hệ với bác sĩ trực tiếp chữa bệnh cho ông. Khi tiền dành dụm cạn, giữa tháng 4-1917 Dật phải nghỉ học đi nhận việc đưa hàng ở tiệm Au Bon Marché nhằm nuôi sống hai cha con.
- Roux vận động phục hồi trợ cấp cho ông Trinh không kết qủa, Moutet can thiệp cho Dật được cấp lại học bổng khá, đủ đi học lại. Nhưng anh đã phát bệnh lao, sức khỏe hao mòn nhanh chóng, trong điều kiện y học bấy giờ thầy thuốc phải bó tay...Vừa khỏi bệnh ông Trinh lại lao đao lo cho tính mạng của đứa con thông minh hiếu đễ đã cùng chia sẻ hoạn nạn cả chục năm qua.
Năm 1918 (46 tuổi): Việc bảo vệ và bồi dưỡng cho Tất Thành đã tạm ổn...hi vọng khí hậu ấm áp ở quê hương và đông y sẽ có lợi cho Dật, đồng thời thấy bản thân nên trở về vận động trong nước, ông tích cực xin về nước. Nhưng trong điều kiện chiến tranh không được giải quyết.
IV. CHIẾN TRANH CHẤM DỨT. NHÓM TRỞ VỀ PARIS VỚI SỰ HIỆN DIỆN CỦA TẤT THÀNH TẠI 6 VILLA DES GOBELINS CÙNG HOẠT ĐỘNG
- Chiến dịch đưa yêu cầu dân Nam đến Hội nghị Hòa bình Versailles, Tất Thành ra công khai với tên Nguyễn Ái Quốc.
- Ông Trinh và ông Trường lánh mặt, Nguyễn dần trở thành người trụ cột của lực lượng người Việt yêu nước tại Pháp.
- Cuối 1918 chiến tranh chấm dứt, ông Trường xin giải ngũ ngay. Khánh Ký và ông Trinh thu xếp đóng cửa các quán cơm. Cả nhóm nhanh chóng chuyển về Paris, có cả Tất Thành cũng cùng về. Lúc đầu anh thận trọng trọ ở vài địa chỉ khác, sau thấy yên, anh chuyển về ở hẳn 6 Villa Des Gobelins.
+ Đáng chú ý là Dật đã được ông Trinh bố trí ở nơi khác, có lẽ để tránh lây nhiễm cho các bạn. Có khả năng anh được gởi ở Boudeaux, nhà ông Hai Thy (ông Trinh thỉnh thoảng đi Boudeaux).
Năm 1919 (47 tuổi): Sau chiến tranh ông Sarraut về làm Bộ trưởng Thuộc địa. Ông Trinh nhiều lần xin gặp đưa yêu cầu về nước nhưng Sarraut trì hoãn, đưa ra kế hoạch cải cách Đông Dương và khuyên "đưa Dật về trước học và chữa bệnh, riêng ông Trinh nên chờ trở về khi kế hoạch cải cách được thực hiện.".
- Dật xuống tàu ngày 27-9-1919. Lên bờ tại Sài Gòn, đi thăm các nơi quen biết ở Mỹ Tho, Sài Gòn, về thăm quê ở Quảng Nam rồi ra Hà Nội trọ học. Bệnh trở nặng anh nghỉ học về quê chữa đông y, cuối cùng ra nằm viện ở Huế và qua đời ngày 2-2-1921.
- Đưa ỵêu cầu đến Hội nghị Hòa bình. Tại Paris ngày 18-1-1919 khai mạc Hội nghị Hòa bình Versailles gồm các nước thắng trận và bại trận là một sự kiện lớn. Nhiều phong trào đòi độc lập và tự trị cử người đến hoạt động ở hành lang hội nghị. Nhóm yêu nước Việt Nam, đặc biệt có Tất Thành rất năng động thường đến theo dõi, đã đề xuất ý kiến đưa "Yêu cầu của dân An Nam" đến các đại biểu dự hội nghị và các nhân vật chủ chốt trong Chính phủ Pháp. Cả nhóm đồng tình. Ông trường nhanh chóng chấp bút bản Pháp văn.
+ Họ tập trung mọi sức lực chuẩn bị đủ hành trăm văn bản cùng địa chỉ, kèm theo thư với hình thức trang trọng, chuyển đến tận nơi. Đến giữa tháng 6-1919, lúc hội nghị xắp kết thúc, các văn bản mới được chuyển đến nơi. Tuy vậy nội dung, lời lẽ, hình thức văn kiện và đặc biệt là tên người ký "Nguyễn Ái Quốc" rất mới mẻ đã gây được sự chú ý của các nơi nhận. Thư khố Pháp còn lưu 2 thư trả lời của đoàn Mỹ và đoàn Nicaragua. Dư luận báo chí và giới cầm quyền Pháp sửng sốt trước sự xuất hiện của nhân vật Nguyễn Ái Quốc.
- Một số báo chí cánh tả Pháp đã đưa tin. Có nhiều khả năng do ông Trinh đã vận động, tờ Nghị Xã Báo Thiên Tân (Trung Quốc) có xu hướng tiến bộ đã đưa trong 2 số liền toàn văn bản yêu sách kèm thông tin giới thiệu về Nguyễn Ái Quốc đại diện An Nam "từ Mỹ sang", và nội dung phỏng vấn Nguyễn (do ông Trinh đưa đến).
Bản tiếng Việt được chuyển thể thành thơ song thất lục bát được đưa sau, có khả năng ông Trinh và Tất Thành...Không tìm thấy bản chữ Hán.
- Sau chiến dịch đưa "Bản ỵêu sách dân Nam" nhóm yêu nước tạm thời phân tán: Đầu tháng 9 ông Trường lánh sang Mayence (vùng Pháp mới thu hồi của Đức). Nguyễn cũng cùng sang, ở lại khoảng một tháng rưỡi mới về. Trong thời gian này ông Trinh lo thu xếp cho Dật về nước. Sau đó ông Trinh tiếp tục hành nghề ở Chartres, thỉnh thoảng mới về Paris ở chung với Nguyễn tại 6 Villa Des Gobelins. Khánh Ký mở rộng việc buôn bán dụng cụ làm ảnh từ vùng của Đức về Paris.
- Nguyễn trở thành chủ nhân của 6 Villa Des Gobelins, dần thay ông Trinh và ông Trường, đảm nhiệm chủ chốt trong lực lượng người Việt yêu nước tại Pháp.
Bộ Thuộc địa nhiều lần đòi anh đến để nhận dạng và khai báo. Ngày 17-10-1919 Sở điều tra chính trị về người An Nam được thành lập ghép với Sở Cảnh sát và Mật thám trung ương, đứng đầu là Paul Arnoux nguyên giám đốc Sở Điều tra Phủ Toàn quyền Đông Dương. Hai mật thám gốc Việt có mật danh là Edouard và Jean đã được cử đến sớm tiếp cận Nguyễn. Chúng xác định "Bộ ba Trinh, Trường, Quốc rất mật thiết với nhau".
V. CON TRAI ĐÃ VỀ NƯỚC, ÔNG TRINH SÁT CÁNH HỖ TRỢ NGUYỄN TRONG CUỘC SỐNG VÀ HOẠT ĐỘNG
- Nguyễn tích cực hoạt động trong Đảng Xã hội và Quốc tế III.
- Năm 1921: Khó khăn dồn dập:
+ Nguyễn nằm bệnh viện dài ngày.
+ Tin Dật qua đời, ông Trinh đau khổ đến kiệt sức không đi làm được, tiền cạn...
+ Nguyễn và ông Trinh dời 6 Vill Des Gobelins.
+ Ông Trinh chuyển về Marseille.
Năm 1920 (48 tuổi): Từ Chartres (cách Paris độ 100 Km) thỉnh thoảng ông Trinh về cùng với Nguyễn đi dự một số cuộc họp Đảng Xã hội Pháp. Có lúc thêm Khánh Ký và một số người Việt mới sang cùng dự.
- Ông Trinh vẫn cùng với Khánh Ký tiếp tục bảo đảm cuộc sống cho Nguyễn để anh tập trung hoạt động chính trị và tham gia các sinh hoạt nhằm mở rộng kiến văn và các mối quan hệ chính trị xã hội. (Mỗi tháng ông kiếm được khoảng 600f, gởi cho Nguyễn 200f, Khánh Ký giúp thêm cho đủ sống và cùng ông Trường giúp trả tiền thuê nhà).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét