Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Tiểu sử Phan Bội Châu

1. Thân thế
Phan Bội Châu tên thật là Phan Văn San (tự là Hài Thu, bút hiệu là Sào Nam, Thị Hán, Độc Kinh Tử, Việt Điểu, Hàn Mãn Tử, v.v. Theo gia phả họ Phan, ông sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cha là Phan Văn Phổ, mẹ là Nguyễn Thị Nhàn. Ông nổi tiếng thông minh từ bé, năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện. Thuở thiếu thời ông đã sớm có lòng yêu nước. Năm 17 tuổi ông viết bài "Hịch Bình Tây Thu Bắc" đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 19 tuổi (1885) ông cùng bạn Trần Văn Lương lập đội nghĩa quân Cần Vương chống Pháp nhưng việc không thành.
Gia cảnh khó khăn, ông đi dạy học kiếm sống và học thi, nhưng thi suốt 10 năm không đỗ, lại can tội "hoài hiệp văn tự" (mang văn tự trong áo) án ghi "chung thân bất đắc ứng thí" (suối đời không được dự thi). Năm 1896, ông vào Huế dạy học, do mến tài ông nên các quan xin vua Thành Thái xóa án "chung thân bất đắc ứng thí". Khi được xóa án, ông dự khoa thi hương năm Canh Tý (1900) ở trường Nghệ và đậu Giải nguyên[3]. Có tài liệu cho rằng bài làm của ông quá xuất sắc đến nỗi khi yết bảng, trường thi đã làm 2 bảng, 1 bảng ghi 5 chữ to "Giải nguyên Phan Bội Châu", bảng kia ghi tên những người thi đỗ còn lại. Câu "Bảng một tên lừng lẫy tiếng làng văn" từ đó mà ra.
2. Hoạt động Cách mạng Phong trào Đông du
Trong vòng 5 năm sau khi đỗ Giải nguyên, ông bôn ba khắp nước Việt Nam liên kết với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành), Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Thân, Hồ Sĩ Kiện, Lê Huân, Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Lê Đại để cùng họ chống Pháp. Ông chọn một hoàng thân nhà Nguyễn, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, làm lãnh tụ phong trào Cần Vương.
Năm 1904, ông cùng 20 đồng chí họp mặt tại Quảng Nam để thành lập Hội Duy Tân.
Năm 1905, ông cùng Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc rồi sang Nhật Bản để gặp gỡ các nhà cách mạng Nhật và Trung Quốc và cầu viện trợ tài chính cho phong trào do ông thành lập. Tại Trung Quốc ông gặp Lương Khải Siêu, và được khuyên nên dùng thơ văn để thức tỉnh lòng yêu nước của dân Việt. Nghe lời khuyên, ông viết nhiều tác phẩm có tác động lớn với sĩ phu trong nước (xem bên dưới). Cùng thời điểm này chiến thắng của Nhật Bản tại trận Tsushima trong Chiến tranh Nga-Nhật đã tạo nên nhiều lạc quan trong các phong trào chống thực dân ở châu Á. Do đó, các tác phẩm của ông đã tạo nên một làn sóng mới thúc đẩy nhiều thanh niên yêu nước tham gia phong trào Đông Du, xuất ngoại học tập để tìm đường chống Pháp.
Năm 1906, Phan Bội Châu đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và một số học sinh người Việt khác sang Nhật. Cũng trong năm đó ông mời được Phan Chu Trinh, một nhà cách mạng nổi tiếng khác, đến thăm ông tại Tokyo. Sau hai tuần thảo luận, hai người không giải quyết được bất đồng chính kiến về cách chống Pháp. Trong khi Phan Bội Châu muốn giữ thể chế quân chủ, Phan Chu Trinh muốn hủy bỏ chế độ này để tạo một quốc gia dân chủ.
Năm 1907, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Cống Hiến Hội, một phong trào gồm có 100 học sinh du học ở Nhật. Việc này có ý nghĩa tượng trưng vì những học sinh có được cơ hội để cộng tác với nhau với tư cách là những người Việt, không phải người Bắc Kỳ, Nam Kỳ hay Trung Kỳ mà người Pháp đã chia ra. Tuy nhiên, dưới áp lực của Pháp, Nhật Bản đã trục xuất họ trong năm sau.
Trong năm 1907, trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập để huấn luyện các nhà cách mạng chống Pháp. Các tác phẩm của ông được nghiên cứu và Phan Chu Trinh giảng dạy tại trường này. Nghi rằng Phan Bội Châu có liên quan đến trường này, Pháp đã đóng cửa trường trong vòng gần một năm. Họ cũng cho rằng ông có trách nhiệm trong các cuộc biểu tình chống thuế tại các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng như tại Huế vào đầu năm 1908. Ngoài ra, họ còn cho rằng ông có dính líu đến một cuộc nổi dậy bị thất bại tại Hà Nội vào tháng 6 năm 1908. Pháp đã xử tử 13 người tham gia cuộc nổi dậy này và bỏ tù hàng trăm người khác tại Côn Đảo (trong đó có Phan Chu Trinh).
3. Hoạt động ở Trung Quốc
Sau Chiến tranh Nga-Nhật, nước Nhật dù thắng trận nhưng nền kinh tế cũng phải chịu nhiều gánh nặng. Nhật cần rất nhiều vốn để tái thiết, đầu tư vào kinh tế. Chính phủ Pháp đồng ý cho Nhật vay 300 triệu franc, nhưng đổi lại, về mặt chính trị Nhật phải hợp tác với Pháp chống lại phong trào Đông Du. Vì lý do đó, tháng 3 năm 1909, Phan Bội Châu bị Nhật trục xuất. Sau đó, ông đến Hồng Kông, Bangkok và Quảng Châu. Trong những năm này, các tác phẩm cách mạng của ông ảnh hưởng đến phong trào chống Pháp ngay tại Việt Nam.
Năm 1912, nức lòng vì thành quả của cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc của Tôn Dật Tiên, Phan Bội Châu cùng một số nhà cách mạng quốc gia Việt Nam lưu vong tại Quảng Châu thành lập một tổ chức cách mạng thay thế cho Hội Duy Tân. Tôn chỉ của tổ chức mới với tên Việt Nam Quang phục Hội (VNQPH) là đánh đuổi người Pháp ra khỏi đất nước, khôi phục chủ quyền của Việt Nam, và thành lập "Việt Nam Cộng hòa Dân quốc".
Trong thời điểm nầy, Phan Bội Châu đã thay đổi chính kiến của ông về thể chế quân chủ. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì Kỳ Ngoại Hầu Cường Để trong vai trò chủ tịch chính phủ lâm thời VNQPH. Nhằm gây tiếng vang, tạo ủng hộ trong quần chúng quốc nội, năm 1913 ông cho tổ chức ám sát và đặt chất nổ phá hoại nhiều nơi trong nước. Nhà cầm quyền Pháp đã phản ứng gay gắt. Nhân cơ hội Viên Thế Khải lên cầm quyền tại Trung Quốc, chính quyền Pháp đã nhờ ông này bắt giam Phan Bội Châu cùng các đồng chí. Có sách chép Lương Tế Quang, không phải Viên Thế Khải, đã bắt Phan Bội Châu[4].
Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, Pháp đưa 50.000 binh lính và 50.000 lao công người Việt sang châu Âu tham chiến. Pháp còn buộc người dân Việt Nam phải chịu thêm nhiều sưu thuế nặng nề để tài trợ nỗ lực chiến tranh của Pháp. Nhiều cuộc nổi loạn chống thực dân bộc phát tại Việt Nam nhưng đã bị Pháp đàn áp dễ dàng. Năm 1916, vua Duy Tân xuất cung tham gia cuộc nổi dậy do Thái Phiên và Trần Cao Vân tổ chức. Người Pháp được mật báo kế hoạch nổi dậy nên đã bắt giam và xử chém những người lãnh đạo cuộc nổi dậy. Vua Duy Tân bị truất ngôi và bị đày ra đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.
Một trong những cuộc nổi dậy kháng Pháp hữu hiệu nhất năm 1916 là cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên. Khoảng 300 binh lính người Việt đã nổi dậy, phóng thích và cấp súng ống cho 200 tù binh chính trị cùng vài trăm dân địa phương. Nghĩa quân đánh chiếm và làm chủ Thái Nguyên trong nhiều ngày liền, với hy vọng được tiếp viện bởi Trung Quốc Quốc Dân Đảng. Khi không ai đến giúp họ, Pháp đã đánh chiếm lại Thái Nguyên và truy bắt hầu hết các nghĩa quân.
Năm 1917, Phan Bội Châu được phóng thích. Ông lưu lạc tại Trung Quốc suốt tám năm sau đó, ông học tập và viết báo sinh nhai ở Hàng Châu, làm biên tập viên của tờ Bình sự tạp chí, nhưng không còn trực tiếp ảnh hưởng đến các cao trào cách mạng tại Việt Nam. Trong thời gian từ 1921 đến 1924, sự kiện Cách mạng tháng Mười Nga, liên minh Quốc - Cộng tại Trung Quốc... đã có ảnh hưởng lớn đến Phan Bội Châu. Giữa năm 1924, phỏng theo Trung Quốc dân đảng của Tôn Trung Sơn, ông đã cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Việt Nam Quốc dân đảng. Tháng 12 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc (khi đó là thư ký và thông dịch viên cho Borodine, người Nga, cố vấn cao cấp cho Quốc dân đảng Trung Quốc) đã có cuộc tiếp xúc với Phan Bội Châu, cùng trao đổi về xu hướng Quốc - Cộng hợp tác cho cách mạng Việt Nam, vốn đang thịnh hành tại Trung Quốc bấy giờ.
4. Bị Pháp bắt và an trí
Ngày 30 tháng 6 năm 1925, ông lại bị Pháp bắt tại Hàng Châu, ông bị dẫn giải về Hà Nội và xử án chung thân khổ sai. Các nguồn sử liệu và nghiên cứu khác nhau đã đặt nghi vấn về người tiết lộ cho Pháp tung tích của ông[5]. Về sau, bản án được đổi lại thành án quản thúc tại gia. Theo Việt Nam Pháp Thuộc Sử, ông được giảm án vì phản ứng mạnh mẽ của toàn dân đối với nhà cầm quyền Pháp.
Từ năm 1926, ông bị đưa về sống ở Bến Ngự, Huế, cho đến khi mất vào năm 1940. Lúc đó ông được gọi là Ông già Bến Ngự.
Trong thời gian này, tư tưởng chống Pháp của Phan Bội Châu đã ôn hòa hơn. Vào tháng 3 năm 1927, trong dịp kỷ niệm ngày giỗ một năm của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu đã viết:
"Than ôi! Ông có thứ cho tôi chăng? Lúc ông [từ Nhật Bản] về nước [1906], tôi tiễn chân ông đến Hương Cảng, ông cầm tay tôi dặn mấy lời sau hết: ‘Từ thế kỷ 19 về sau, các nước tranh nhau ngày càng dữ dội, cái tính mạng một nước, gửi trong tay một số người đông, chứ không thấy nước nào không có dân quyền mà khỏi mất nước bao giờ. Thế mà nay Bác lại còn dựng cờ quân chủ lên hay sao?’ Ông nói thế, lúc bấy giờ tôi chưa có câu gì đáp lại, nay đã hơn 20 năm rồi, lời ôn càng lâu, càng nghiệm. Tôi mới biết cái óc suy nghĩ cùng cái mắt xem xét của tôi thiệt không bằng ông! Phỏng ngày nay ông còn sống thì cầm cờ hướng đạo cho chúng ta, hẳn phải nhờ tay ông mới được. Than ôi! Ngày nay những kẻ cúng vái ông, kính mến ông, có phải là chỉ ngắm tượng ông, đọc văn ông góp nhặt năm ba câu làm bộ ái quốc, ái quần đầu miệng mà thôi ư? Phải biết rằng ông Hy Mã mà được danh tiếng lưu truyền với sử xanh là vì ông có chủ trương thiệt, tinh thần thiệt."
Phan Bội Châu mất ngày 29 tháng 12 năm 1940 tại Huế.Tên ông đã được đặt cho trường chuyên của quê nhà-tỉnh Nghệ An và một con phố lớn tại Hà Nội,gần Ga Hà Nội,nối từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Điện Biên Phủ(Cửa Nam).
5. Phan Bội Châu với Hồ Chí Minh
Phan Bội Châu đã từng quen biết với Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Hồ Chí Minh.
Nguyễn Ái Quốc đã từng có bài báo viết về cuộc tiếp xúc và đối đầu giữa Alexandre Varenne (Toàn quyền Đông Dương thời đó) và Phan Bội Châu nhan đề "Những trò lố, hay là Varenne và Phan Bội Châu" (báo Le Paria (Người cùng khổ), số 36-37, tháng 9 - tháng 10 năm 1925). Bài viết có nội dung đả kích hành động của thực dân Pháp mà đại diện toàn quyền Đông Dương Varen, trong việc giả vờ đón tiếp cụ Phan từ nước ngoài về, nhưng thực chất thì "tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái thì nâng cái gông để siết chặt Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét